Với gần 1 tỷ USD giải ngân trong tổng số 3 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2010, hoạt động đầu tư ra nước ngoài tăng khá mạnh, đòi hỏi yêu cầu cao hơn trong quản lý.
Dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp phân phối hàng Việt Nam tại Thụy Điển của một công ty cổ phần xuất nhập khẩu ở Hải Phòng được cấp phép từ năm 2008, nhưng đến nay, vẫn chưa khởi động. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, quyền tổng giám đốc công ty trên (đề nghị không nêu tên) cho biết, đơn vị đang có kế hoạch xúc tiến một dự án tương tự sang Vương quốc Anh. “Chúng tôi sẽ tạm dừng dự án tại Thụy Điển để dồn nguồn lực sang dự án mới”, bà nói.
Đáng nói là, công ty này không hề thông báo kế hoạch tạm dừng với cơ quan quản lý đầu tư ra nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa là, trong danh mục dự án, cũng như số vốn đăng ký ra nước ngoài lũy kế đến hết năm 2010, có dự án không còn tồn tại.
Nhìn vào số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hoạt động của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có thể thấy, thực tế này không phải cá biệt. Trong số 558 dự án đầu tư ra nước ngoài trong danh mục đã đăng ký của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 300 dự án thực hiện báo cáo. Trong số chưa báo cáo còn lại, có tới 67 dự án đã biến mất, hoặc chủ đầu tư thay đổi địa chỉ mà không thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh. Mặc dù số các dự án có báo cáo hoạt động là các dự án quy mô lớn, chiếm phần lớn số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, song việc không tuân thủ đầy đủ các quy định về báo cáo từ nhiều doanh nghiệp đang làm khó thêm hoạt động quản lý nhà nước đối với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, vốn đã rất phức tạp.
Cũng phải thẳng thắn rằng, lâu nay, bức tranh về đầu tư ra nước ngoài khá thiếu nét, do thông tin không đầy đủ ngay cả từ phía các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương được phân công trách nhiệm với lĩnh vực này. Mới đây, khi thu thập thông tin về hoạt động đầu tư nước ngoài phục vụ việc sửa đổi Dự thảo Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ nhận được phân nửa báo cáo từ 63 địa phương. Trong số này, không có tên của hai địa phương có số dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Nhìn vào thời gian cấp phép đầu tư ra nước ngoài của các dự án, có thể thấy, phần lớn các dự án được cấp phép trong 3 năm gần đây (kể từ năm 2008). Tốc độ giải ngân vốn đầu tư ra nước ngoài cũng tăng mạnh, từ khoảng gần 700 triệu USD năm 2009 lên gần 1 tỷ USD năm 2010. Số lĩnh vực và thị trường các dự án đầu tư ra nước ngoài thì tăng mạnh theo hướng đa dạng hoá. Dự báo trong năm 2011, số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt 2,2 – 2,5 tỷ USD, với mức giải ngân tương đương năm 2010.
Nếu tính thêm tới khoảng gần 70% tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài là từ các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, thì tính phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và cả các doanh nghiệp trong giám sát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài thực sự cấp thiết, đòi hỏi các cơ chế ràng buộc mang tính pháp lý cao. Bởi nếu thiếu thông tin về hoạt động của dự án, tình hình sử dụng lợi nhuận sau thuế, không chuyển lợi nhuận về nước hoặc xử lý vốn đã chuyển ra nước ngoài vẫn tiếp tục, thì cơ chế cho giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước sẽ không có cơ sở để xây dựng phù hợp. Cũng phải nói thêm rằng, con số 39 triệu USD lợi nhuận đã chuyển về nước theo báo cáo của 300 dự án đầu tư ra nước ngoài cũng đang được đặt dấu hỏi về tính đầy đủ.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cân nhắc đề xuất phối hợp với các cơ quan liên quan như phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cơ quan thuế địa phương, cơ quan công an để xác minh địa chỉ của các chủ đầu tư không có báo cáo. Với các trường hợp không xác định được địa chỉ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuyển cơ quan công an xem xét, tiến hành chấm dứt hiệu lực của các giấy chứng nhận đầu tư của các chủ đầu tư này.