Liên kết, hợp tác để khơi dậy và phát huy tiềm năng của vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh được xác lập, ký kết hơn 12 năm qua, song liên kết, hợp tác này thiếu tính chiều sâu. Trong điều kiện kinh tế thế giới chưa phục hồi, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc liên kết, hợp tác để xích lại gần nhau, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư là rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của các địa phương.
Hợp tác thiếu chiều sâu
Với vị trí địa lý, tiềm năng về nông nghiệp, nguồn nhân lực dồi dào, ĐBSCL được nhận định là vùng cung cấp nguyên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến cho trung tâm kinh tế lớn vào bậc nhất cả nước- TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, việc liên kết và hợp tác giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì việc liên kết, hợp tác giữa vùng và TP Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, liên kết chưa mang tính thường xuyên; nhiều dự án của DN TP Hồ Chí Minh triển khai tại vùng chậm do vướng các thủ tục về cấp phép, đăng ký kinh doanh, công tác giao đất chậm… “Việc điều hành các chương trình hợp tác của các cơ quan nhà nước còn lúng túng, thiếu chiều sâu nên hiệu quả kinh tế mang lại cho DN không cao”- đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định.
Ký kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản – Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: MINH HUYỀN
Ảnh: MINH HUYỀN
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 12 năm (2001-2013), DN TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 23 khu- cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại- dịch vụ- du lịch; trên 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, tổng vốn đăng ký hơn 263.937 tỉ đồng. Nhà đầu tư, DN TP Hồ Chí Minh cũng nhận ra những bất cập trong đầu tư tại vùng ĐBSCL. Cụ thể trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản- thế mạnh của vùng, nhưng DN TP Hồ Chí Minh đầu tư vào lĩnh vực này rất khiêm tốn, như: tại Kiên Giang, vốn đầu tư cho nông nghiệp- thủy sản chỉ chiếm 1,2% (tương đương 1.411 tỉ đồng) trên tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh là 117.126 tỉ đồng; tỉnh Bến Tre chỉ chiếm 1,16% (63 tỉ đồng/5.436 tỉ đồng), tỉnh An Giang cũng chỉ 2,57% (154,5 tỉ đồng/6.018 tỉ đồng)…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, tỉnh mong muốn các DN TP Hồ Chí Minh đến đầu tư nhà máy sản xuất để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh mà chưa tính đến khả năng, thị trường tiêu thụ của sản phẩm, khiến nhiều dự án đưa ra mà không triển khai thực hiện được. Ngoài ra, hệ thống giao thông chưa đầu tư đồng bộ, chi phí đầu tư dự án tại tỉnh khá cao, nên các DN TP Hồ Chí Minh không thấy hấp dẫn, nhưng cũng có dự án mà DN TP Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh chậm triển khai, gây bức xúc lớn cho địa phương. Trong 6 năm thực hiện ký kết hợp tác (từ năm 2007 đến nay), hiện tỉnh An Giang có 42 DN TP Hồ Chí Minh đầu tư 54 dự án tại tỉnh, tổng vốn đăng ký 6.018 tỉ đồng, trong đó 26 dự án đang hoạt động, 14 dự án đang triển khai và 14 dự án chưa triển khai. Các dự án đầu tư chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, siêu thị, chế biến thực phẩm, thủy hải sản, hạ tầng giao thông, dân cư… Tại tỉnh Bến Tre hiện có 29 dự án của DN TP Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh, tổng vốn đăng ký 5.436 tỉ đồng, tính đến tháng 9-2013, tổng vốn đầu tư thực tế chiếm khoảng 38,89% tổng vốn đăng ký (tương đương 2.114 tỉ đồng). Ký kết hợp tác giữa 2 địa phương thực hiện từ tháng 11-2009 đến nay, sau gần 4 năm thì nội dung hợp tác vẫn chưa đi vào chiều sâu, còn dàn đều, việc sơ kết, đánh giá kết quả hợp tác chưa thực hiện tốt. Từ thực tế này, nhiều địa phương cho rằng, cần có hội thảo đánh giá kết quả 12 năm hợp tác để đúc kết và hiến kế cho liên kết, hợp tác giai đoạn tiếp theo.
Nâng tầm hợp tác
Tại TP Cần Thơ, đến nay thu hút được 34 dự án đầu tư từ DN TP Hồ Chí Minh, với tổng vốn đăng ký 5.864 tỉ đồng, vốn thực hiện đến nay chiếm 59,7% tổng vốn đăng ký. Các DN có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh, sau khi triển khai dự án đầu tư tại TP Cần Thơ đều có đăng ký pháp nhân mới, hoặc trên cơ sở liên doanh, liên kết với các DN tại Cần Thơ để thực hiện đầu tư. Hiện có các thương hiệu lớn của TP Hồ Chí Minh thực hiện đầu tư nghiêm túc tại Cần Thơ, góp phần thúc đẩy kinh tế Cần Thơ phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài thời gian qua. Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, thời gian qua, đầu tư của các DN TP Hồ Chí Minh vào vùng dù chưa xứng tầm, nhưng đã góp phần phát triển kinh tế vùng. Để hợp tác này đi vào chiều sâu, cần phân tích đánh giá cụ thể những kết quả hợp tác, liên kết đã đạt được và rút ra bài học kinh nghiệm, nâng tầm hợp tác tương xứng với tiềm năng của vùng.
Các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đều nhận rõ tầm quan trọng trong liên kết, hợp tác với TP Hồ Chí Minh để mở cửa thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thu hút đầu tư… Tuy nhiên, một kịch bản hoàn chỉnh cho liên kết, hợp tác vẫn còn lúng túng, nhất là công tác điều hành vẫn thiếu vai trò nhạc trưởng, khiến các liên kết, hợp tác thiếu chiều sâu. Để nâng tầm hợp tác và thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL phát triển, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng cơ chế hợp tác để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan điều phối (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện từng nội dung hợp tác (sở, ban ngành liên quan) trong việc triển khai nội dung, chương trình hợp tác. Thực hiện sơ kết, tổng kết hợp tác để rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đưa chuyên mục riêng về các chương trình hợp tác phát triển giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành lên cổng thông tin điện tử địa phương để các tổ chức, cá nhân có thể tự tra cứu, tìm hiểu thông tin về đầu tư và kêu gọi đầu tư. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ để cùng nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc có liên quan đến Bộ, ngành Trung ương, kiến nghị lên Chính phủ cho cơ chế… Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn trong những năm gần đây, nhất là trong tình hình khủng hoảng, lạm phát hiện nay thì việc gia tăng đầu tư cho ĐBSCL là định hướng đúng, lâu dài.
Tình trạng phổ biến hiện nay tại ĐBSCL là nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư, có chứng nhận đầu tư nhưng nhà đầu tư không thể triển khai, hoặc chậm triển khai do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “Cần phải đánh giá lại những kết quả hợp tác, liên kết giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh để có cái nhìn tổng thể, hoạch định cho giai đoạn tiếp theo. Cần đặt ra yêu cầu phải đổi mới căn bản, lấy hiệu quả làm thước đo đảm bảo tập trung thống nhất trong việc quản lý các hoạt động”. Muốn làm được điều này thì các chương trình hợp tác phải được cụ thể hóa và phân công trách nhiệm rõ ràng trong triển khai thực hiện.