Nhằm đẩy mạnh Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, chiều ngày 04/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam.
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia kinh tế cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Đề án này được xây dựng nhằm mục tiêu tìm hiểu các định nghĩa khác nhau về năng lực cạnh tranh quốc gia và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trên thế giới; Tìm hiểu các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trên thế giới; Xác định khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia phù hợp với Việt Nam và lựa chọn các tiếp cận đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia cho Việt Nam; Thiết kế các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam theo cách tiếp cận được lựa chọn; Xác định phương pháp tính các chỉ số và cách thức thu thập dữ liệu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ một nền kinh tế khép kín đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, mức sống và thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm và ngày càng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song nền kinh tế vẫn còn đang tồn tại những thách thức, năng lực cạnh tranh còn yếu trên nhiều mặt.
Nhìn chung, năng lực cạnh tranh Việt Nam được đánh giá và xếp hạng ở mức khiêm tốn, thường thấp hơn so với các nước trong khu vực. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững là nội dung quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam. Việc xác định bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam nhằm phục vụ hoạt động đánh giá thường niên về năng lực cạnh tranh quốc gia; nhận diện các vấn đề và thách thức đối với năng lực cạnh tranh, từ đó kiến nghị chính sách cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.
|
Ông Nguyễn Đình Cung trình bày dự thảo Đề án
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Ông Nguyễn Đình Cung trình bày dự thảo Đề án
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Hội thảo đã được nghe ông Nguyễn Đình Cung trình bày dự thảo Đề án xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, để thực hiện Đề án xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo phương pháp và hệ thống các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các tổ chức và quốc gia trên thế giới như Diễn đàn kinh tế thế giới, Viện Phát triển quản lý quốc tế Thụy Sĩ, Liên minh châu Âu và Hội đồng năng lực cạnh tranh của Ai-len.
Theo Dự thảo Đề án này, việc xây dựng Báo cáo chuyên sâu về năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam có thể thực hiện theo hai phương án. Phương án 1, dựa trên khung đánh giá năng lực cạnh tranh theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới, tập trung phân tích sâu thực trạng các nhân tố thuộc nhóm các yếu tố nâng cao hiệu quả. Theo phương án này có 6 nhóm yếu tố được tập trung phân tích sâu gồm đào tạo và giáo dục bậc cao; Hiệu quả thị trường hàng hóa; Hiệu quả thị trường lao động; Sự phát triển của thị trường tài chính; Mức độ sẵn sàng về công nghệ; Quy mô thị trường.
Phương án 2 cũng dựa trên khung đánh giá năng lực cạnh tranh theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới và bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh. Thông tin và dữ liệu về bộ chỉ số được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát ý kiến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia. Việc thực hiện khảo sát là để xác định 20 chỉ số quan trọng nhất cần được cải thiện. Từ đó, báo cáo năng lực cạnh tranh tập trung phân tích sâu nhóm 20 chỉ số này và kiến nghị chính sách nhằm cải thiện các chỉ số đó.