Tin tức

Hoạt động Xuất khẩu nhóm hàng Nông, Lâm, Thuỷ Sản của Thế giới trong tháng 07/2012

– Diễn biến thị trường hàng hóa thế giới:
Trong tháng 7/2012, thị trường hàng hóa thế giới đã ghi nhận tháng tăng giá mạnh mẽ nhất kể từ tháng 10/2011 cho dù kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn với xu hướng phục hồi nhưng không vững chắc và không có sự đồng đều giữa các quốc gia, đặc biệt là sự hồi phục chậm chạp của kinh tế Mỹ, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và khủng hoảng nợ công tiếp diễn tại Eurozone.
Chỉ số Thomson Reuters-Jefferies CRB đo lường giá 19 loại hàng hóa trong tháng 7 đã tăng 5% – mức tăng mạnh nhất kể từ cuối quý 2/2011. Trong đó, đạt tốc độ tăng mạnh nhất trong tháng là 2 mặt hàng dầu thô và ngô.
Trong tháng 7, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng gần 4% và có phiên giá lên cao nhất 2 tháng. Giá dầu Brent tuy không nằm trong danh sách đo lường của chỉ số CRB, cũng tăng giá 7% trong tháng này.
Trong khi đó, giá ngô kỳ hạn trên sàn Chicago tăng tới 27% trong tháng 7, liên tục lập kỷ lục mới do lo ngại hạn hán ở khu Trung Tây nước Mỹ tàn phá nhiều cánh đồng ngô và đẩy giá ngũ cốc tăng trong nhiều tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch tháng 7, giá ngô đứng ở mức 8,2 USD/bushel, tăng 25,8% so với tháng 6 và nằm trong ngưỡng giá cao nhất từ trước đến nay. Giá đậu tương tăng 15% trong tháng 7, chốt tháng ở 16,41 USD/bushel.
Đối với kim loại quý, kết thúc phiên cuối tháng 7, giá vàng đứng ở mức 1.614,6 USD/ounce, tăng 1% trong cả tháng và ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp.

 

Diễn biến giá dầu Brent và dầu WTI từ đầu năm 2012 đến nay

– Diễn biến giá các mặt hàng nông, lâm sản trên thị trường thế giới trong tháng 7/2012:

Cùng chung xu hướng với hàng hóa thế giới, giá hầu hết các mặt hàng nông, lâm sản trong tháng 7 đều tăng so với tháng trước. Cụ thể:

+ Mặt hàng cà phê:

Thị trường cà phê thế giới tháng 7/2012 đã có những chuỗi ngày tăng giá khá ấn tượng, nhờ những thông tin tác động khả quan. Trên thị trường thế giới, tại khu vực châu Âu đã xuất hiện những động thái tích cực hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, Chính phủ đã hỗ trợ nông dân tạm trữ, làm giảm nhu cầu bán ngay của các nhà sản xuất cà phê. Bên cạnh đó, giá tăng còn phản ánh tình hình thời tiết bất lợi, gây thiệt hại đến chất lượng cà phê, hiện đã được thu hoạch cho chế biến nhưng do thời tiết bất lợi cũng khiến quả rụng nhiều, gây thất thoát trong quá trình thu hoạch. Ngoài ra, đồng USD giảm hơn so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi đã tăng mạnh trước đó – cũng là yếu tố hỗ trợ giá cà phê trong những tuần qua.

Theo nhận định thị trường cà phê Arabica tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới bởi một số yếu tố sau:

– Ảnh hưởng của thời tiết “sương mù trong tháng 7/2012” làm giảm sản lượng – đẩy giá tăng trong những tuần tới.

– Braxin – thị trường xuất khẩu cà phê Arabica lớn nhất toàn cầu liên tục sụt giảm sản lượng từ đầu năm đến nay, trong đó tháng 6/2012 giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái).

– Các nhà rang xay đang dần trở lại thị trường và bắt đầu thu mua chủng loại cà phê này.

Thị trường cà phê Robusta cũng được dự báo tăng do – nhu cầu của thế giới có thể tăng thêm 5 triệu bao trong năm nay, trong đó 3 triệu bao đến từ các nhà rang xay mới và 2 triệu bao ở các thị trường truyền thống khi họ thay cà phê Arabica của Braxin thành cà phê Robuta. Hiện nhu cầu của các nhà rang xay tăng lên khi họ muốn giảm chi phí sản xuất và người tiêu dùng cũng ưu chuộng loại cà phê hòa tan.

–  Cuối tháng 7/2012 (với kỳ hạn giao tháng 9/2012), giá cà phê Arabica trên sàn New York lên mức 1,78 USD/lb, tăng 9,4% so với tuần cuối tháng 6/2012.

– Trên sàn London, giá cà phê Robusta lên 2.240 USD/tấn, tăng 7,2% so với tháng 6/2012.

+ Mặt hàng chè:

Trong tháng 7/2012, giá chè đã có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt đối với chủng loại chè chất lượng cao. Tại Ấn Độ, giá chè chính thống đã tăng 6,7 Rs/kg, lên mức 236,70 Rs/kg; ngược lại chè bụi CTC có giá đạt 151,58 Rs/kg, thấp hơn mức giá 154,41 Rs/kg trong phiên đấu giá trước. 

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái giá chè chính thống của Ấn Độ đã tăng mạnh 47%, còn giá chè CTC cũng tăng hơn 9%. Nguồn cung chè toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng chính là nguyên nhân đẩy giá chè của Ấn Độ cũng như giá chè thế giới tăng cao.

Các nhà nhập khẩu Pakistan đưa ra giá chào mua có chọn lọc dao động trong phạm vi khá rộng từ 60 – 90 Rs/kg (CIS). Một số người mua hàng đến từ châu Âu đang trả giá cho chè của Ấn Độ ở mức 70 – 92 Rs/kg.

Trước bối cảnh nhu cầu tiêu dùng vững ở mức cao trong khi nguồn cung chè toàn cầu sụt giảm mạnh do thời tiết, giá chè thế giới nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng tới. Tuy nhiên mức tăng sẽ có phần hạn chế, nguyên nhân là do nguồn cung chè thế giới trong quý III/2012 dự kiến sẽ cải thiện hơn so với đầu năm nay. Tại các quốc gia trồng chè lớn, điển hình là Ấn Độ thông thường thời điểm từ tháng 6 đến tháng 10 những cơn mưa sẽ diễn ra thường xuyên hơn, tạo điều kiện thích hợp cho cây chè phát triển. Mặt khác, do giá đã tăng liên tục từ đầu năm nên các nhà xuất khẩu cũng sẽ linh hoạt về giá cả nhằm giữ khách hàng.

+ Mặt hàng hạt tiêu:

Theo lịch thời vụ, hiện nay Indonesia đã bước qua tháng thứ hai của vụ thu hoạch mới kéo dài khoảng bốn tháng, trong khi Brazil cũng sẽ có hàng vụ mới đưa ra tham gia thị trường dự kiến vào khoảng giữa tháng 10 hay tháng 11. Các thương nhân tại Ấn Độ cho rằng, tuy Indonesia và Brazil, hai nước sản xuất tiêu hàng đầu thế giới, đã ra hàng nhưng sức ép của nguồn cung vẫn chưa đáng kể. Vì nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Ấn Độ vẫn còn cao nên họ đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng từ các nước, nhất là tháng lễ Ramadan của Hồi giáo sắp đến. Như vậy, sức mua tăng mạnh tại Ấn Độ đã kéo giá hạt tiêu tại thị trường này lên cao, trong khi ở Việt Nam và sàn giao dịch Singapore, cả người bán lẫn người mua đều vắng bóng.

Giá tiêu kỳ hạn tại thị trường Ấn Độ tiếp tục ở mức cao và chênh lệch lớn so với giá tiêu tại các thị trường khác.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/7, trên sàn giao dịch NCDEX tại thị trường Kochi Ấn Độ, giá hạt tiêu biến động tăng giữa các kỳ hạn. Lần lượt các kỳ hạn giao tháng 8, 9 đứng ở mức 43.275 Rupi/tạ, 43.650 Rupi/tạ tương đương 7.788 USD/tấn, 7.855 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 10, 11 đứng ở mức 44.175 Rupi/tạ, 44.400 Rupi/tạ tương đương 7.950 USD/tấn, 7.990 USD/tấn. (1USD = 55,5672 Rupi).

Bên cạnh đó, giao dịch tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) đã sôi động trở lại so với hồi đầu tháng. Chốt phiên giao dịch ngày 21/7, kỳ hạn giao tháng 8 đứng ở mức 6.120 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 đứng ở mức 6.187 USD/tấn, vẫn còn chênh lệch quá lớn so với giá tiêu kỳ hạn tại Ấn Độ.

+ Mặt hàng hạt điều

Thị trường hạt điều thế giới tiếp tục diễn biến giá với biên độ rộng, giá dao động nhiều tùy thuộc vào các yếu tố nguồn cung, người mua người bán và thời điểm giao nhận hàng – W240 từ 3,70 đến 3,85; W320 3,30-3,50, W450 & SW320 trong khoảng 3,15 to 3,30, Splits 2,35 – 2,45, Pieces 1,90 – 2,00 (giá FOB).

Thị trường Ấn Độ cũng khá ổn định và không có thay đổi so với tuần trước. Thị trường hạt điều thô (RCN) cũng không mấy khả quan. Các chuyến hàng từ Bờ Biển Ngà (IVC) được tiến hành rất chậm.

Trong những tuần gần đây, tâm lý thận trọng của người mua đã khiến thị trường giao dịch khá chậm chạp. Mặt khác, tâm lý gom hàng của người bán không muốn bán ra với giá rẻ cũng là yếu tố tác động chính tới thị trường.

Nhận định thị trường điều thế giới trong thời gian tới: Trong thời điểm hiện nay với tình hình kinh tế khó khăn và thị trường tài chính chặt chẽ, một số nhà nhập khẩu hạt điều có thể có khuynh hướng mua chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cốt lõi và cung ứng đủ cho từng quý một. Yếu tố này sẽ khiến cho thị trường điều thế giới kém sôi động hơn và xu hướng mua định kỳ ngắn hạn và là xu hướng chủ đạo của thị trường.

+ Mặt hàng rau hoa quả

Sản lượng rau quả trên thị trường thế giới đang tăng lên do nguồn cung tại Ấn Độ, Mỹ và EU tăng. Tại Ấn Độ, sản lượng trái cây và rau quả bao gồm táo, hành và cà chua đã tăng khoảng 3% trong năm tài chính vừa qua. Niên vụ 2011/12, sản lượng trái cây và rau quả đạt lần lượt 77,525 triệu tấn và 149,607 triệu tấn.

Tại Mỹ, sản lượng thu hoạch khoai tây sẽ cao hơn năm trước, nguồn cung khoai tây đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp chế biến và chất lượng dự kiến sẽ rất tốt. Thời tiết ấm áp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch khoai tây tại nước này. Theo một số chuyên gia thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện giá khoai tây đang thấp hơn so với năm ngoái, nhưng điều này không tác động lớn đến thị trường tiêu thụ do năm ngoái giá khoai tây tăng lên mức kỷ lục vì mất mùa.

Xu hướng giá trên thị trường thế giới

Nguồn cung rau quả tăng đã góp phần ổn định giá rau quả trên thị trường thế giới. Một số loại rau quả có giá giảm khá mạnh như dưa hấu, hành củ, sầu riêng và bưởi. Giá dưa hấu bán buôn tại Trung Quốc chỉ còn từ 0,5 – 0,6 Nhân dân tệ/kg, trong khi cùng kỳ năm trước giá dưa hấu dao động từ 1,5 – 1,6 Nhân dân tệ/kg.

Giá hành bán buôn tại Ấn Độ cũng giảm từ 15 Rs/kg nay chỉ còn 10 Rs/kg. Tại thị trường bán lẻ, giá hành giảm từ 18 Rs/kg trong tháng trước xuống còn 13 Rs/kg hiện tại.

Dự báo giá rau quả sẽ giảm nhẹ trong tháng 8/2012 và có thể tăng trở lại trong những tháng tiếp theo do nguồn cung giảm và nhu cầu tăng cao.

+ Mặt hàng cao su:

Trong tháng 7/2012, giá cao su thiên nhiên thế giới biến động trái chiều nhau tại các thị trường.

Tại thị trường Nhật Bản, giá cao su RSS 3 trên sàn giao dịch Tocom đạt bình quân 239 JPY/kg, giảm 2,91% so với tháng trước.

Trên thị trường Đông Nam á, giá cao su RSS 3 (hợp đồng giao tháng 8) của các nhà cung cấp Thái Lan tiếp tục sụt giảm so với tháng trước, theo đó giảm 6,35%, xuống còn 101 THB/kg. Trong khi đó, giá hai mặt hàng cao su SMR 20 của Malaysia và SIR 20 của Inđônêsia có sự cải thiện nhẹ khi tăng 1 – 2,1% so với tháng trước, dao động ở mức từ 2,86 – 2,97 USD/kg.   

Tại thị trường Trung Quốc, giá cao su thiên nhiên hợp đồng tháng 9 được bán ra ở mức 23.866 NDT/tấn, tăng 5,11% so với tháng trước, so với mặt bằng chung trên thế giới giá cao su thiên nhiên tại Trung Quốc được nhận định là cao hơn hẳn.

Tăng trưởng chậm chạp của kinh tế thế giới cộng với sự gia tăng mạnh mẽ về sản lượng do đang vào vụ thu hoạch đang gây nhiều sức ép giảm giá lên thị trường cao su thế giới. Tuy nhiên với những nỗ lực nhằm giữ giá của phía các nhà xuất khẩu, giá cao su được kỳ vọng sẽ duy trì xu hướng ổn định trong tháng tới.

Tham khảo giá một số mặt hàng nông lâm sản trên thị trường thế giới trong tháng 7/2012

 

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status