Được khai mở từ đầu thế kỷ XVIII, đất Hà Tiên nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, núi non trập trùng, thiên nhiên tươi mát… được người xưa gọi là thập cảnh thiên phú với những cái tên tứ âm rất tuyệt là Hà Tiên thập vịnh do Tổng trấn Mạc Thiên Tích đề xướng từ năm Bính Thìn 1736: Đông Hồ Ánh Nguyệt, Bình San Điệp Thúy, Thạch Động Thôn Vân, Lộc Trĩ Thôn Cư, Kim Dự Lan Đào, Tiêu Tự Thần Chung, Châu Nham Lạc Lộ, Giang Thành Dạ Cổ, Lư Khê Ngự Bạc, Nam Phố Trừng Ba. Nơi đây, quanh năm nắng vàng, biển xanh ôm ấp vỗ về, tạo cho Hà Tiên một dáng vẻ riêng biệt, gắn liền với cốt cách người Hà Tiên đã đi vào thơ ca… suốt chiều dài lịch sử khai hoang mở đất.
Nước trong xanh vỗ bờ cát vàng những bãi tắm đẹp của đất Hà Tiên
Thị xã Hà Tiên phát triển nhanh kết cấu hạ tầng nhưng vẫn giữ được cảnh quan môi trường là điểm nhấn cho du lịch – dịch vụ bền vững
Một góc Hà Tiên – Ảnh: Huỳnh Lâm
Nghề khai thác đánh bắt hải sản xa bờ góp phần cho Hà Tiên phát triển mạnh kinh tế – xã hội
Đôi nét Hà Tiên xưa
Cái tên Hà Tiên không ai biết chính xác có tự bao giờ, chỉ biết xưa kia thuộc vùng đất Mang Khảm (tục danh Trấn Phiên thành, còn gọi là Đồng Trụ trấn). Tương truyền, vì mến cảnh trần gian nơi đây thiên nhiên tươi đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường hay xuất hiện ngoạn cảnh trần gian, từ đó đã xuất hiện tên gọi Hà Tiên.
Năm 1679, Mạc Cửu (quê Lôi Châu – Trung Quốc) do không chịu nổi cảnh cai trị hà khắc của nhà Thanh, rời bỏ quê hương lưu lạc đến vùng đất Hà Tiên, chiêu tập lưu dân khai hoang mở đất lập nên xứ Hà Tiên, phát triển buôn bán làm cho vùng đất này ngày càng thêm trù phú, vì vậy khoảng đầu thế kỷ 17, vua Cao Miên đã phong cho Mạc Cửu chức Ốc Nha để cai quản vùng đất này. Tuy nhiên, do bị quân Xiêm La thường xuyên quấy nhiễu, trong lúc Cao Miên không đủ sức để bảo vệ, nên năm 1708 Mạc Cửu đã thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu để nhận được sự bảo hộ của Nhà Nguyễn và vẫn giữ nguyên các chức vụ. Từ đó vùng đất này thuộc về Việt Nam.
Vào đầu thế kỷ XVIII, Hà Tiên là một thị trấn buôn bán sầm uất, có hải cảng lớn giao thương với các tàu buôn phương Tây và các nước Nam Á trong hải trình từ Tây sang Đông và ngược lại. Các thương hiệu của người Hoa và người Việt lần lượt mọc lên, buôn bán nhộn nhịp. Hàng quán, các cửa hàng mỹ nghệ mở ra khắp nơi, nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, khai thác đánh bắt thủy sản được mở mang, tạo cho Hà Tiên thế mạnh về kinh tế, phát triển nền văn hóa rực rỡ, trong đó thi ca là một nét đặc trưng điển hình, ngày nay và chắc chắn mãi mãi về sau còn lưu lại tiếng tăm của một thời kỳ mà sự phát triển thi đàn luôn luôn là sự quyến rũ tao nhân mặc khách đến với đất Hà Tiên ngâm vịnh và ngoạn cảnh.
Một góc hang động trên Bình San Điệp Thúy
Một góc công trình lấn biển, nơi đây sẽ mọc lên khu đô thị mới hiện đại
Nhà lưu niệm Đông Hồ – Ảnh: Huỳnh Lâm
… Và cảnh sắc huyền thoại
Hà Tiên thập vịnh, mười bài thơ ca ngợi cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng, mỗi nơi có một sắc thái riêng biệt, nơi nào cũng đáng được khám phá, chiêm ngưỡng, nếu bỏ sót một nơi là xem như ta chưa đến Hà Tiên. Bình San điệp thúy – một trong mười cảnh đẹp nhất của Hà Tiên, đứng trên núi Bình San, Hà Tiên hiện ra trong nắng sớm ban mai hoặc trong buổi chiều tà, lúc nào cũng thơ mộng, một bên là núi Voi Phục, bên kia là biển Đông mênh mông, màn nước trong xanh đến tận chân trời, càng tôn thêm vẻ đẹp của Hà Tiên mà không nơi nào có được. Thạch động thôn vân, chính là nơi khơi nguồn câu chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn, vào sâu trong Thạch Động chiêm ngưỡng nét đẹp của thạch nhũ như nét cọ vẽ của thiên nhiên, với những hình thù khơi gợi trí tưởng tượng của con người, tạo cho Thạch động một vẻ huyền hoặc. Từ đây, đi ngược về hướng Tây khoảng 3km tới cửa khẩu Xà Xía, nơi giao lưu buôn bán khá sầm uất của cư dân người Việt và bên kia là cư dân đất nước chùa tháp. Xuôi về hướng nam, dọc theo phía biển là thắng cảnh nổi tiếng Hòn Chông ngắm nhìn hòn Phụ Tử ngày đêm sóng vỗ, thăm di tích Chùa Hang và chỉ cần mươi phút bồng bềnh trên sóng là đến hang Gia Long, ngắm cảnh sắc và hít thở không khí trong lành, vị mặn của biển và cảm nhận sự yên tĩnh trầm mặc của thời gian.
Đã đến Hà Tiên, muốn hiểu thêm lịch sử khai mở vùng đất này, không thể nào quên viếng thăm từ đường dòng họ Mạc, khởi đầu từ Tổng binh Mạc Cửu. Khi ông qua đời, nhà Nguyễn đã phong tước hiệu Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị công, thăm nơi yên nghỉ của những người đã có công khai phá đất Hà Tiên hơn 300 năm trước. Mạc Cửu giỏi tài dụng binh, Mạc Thiên Tích giỏi văn thơ, người đã có công lập ra tao đàn Chiêu Anh Các để mỗi tuần trăng tròn, ngắm trăng làm thơ tại Bảo nguyệt liên trì. Thăm đình Nguyễn Trung Trực, mộ Bà lớn tướng Lê Kim Định, đền Phó Cơ Điều, sắc tứ Tam Bảo tự, chùa Phù Dung… niềm tự hào không chỉ của cư dân Hà Tiên, mà đó còn là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam, chung sức chung lòng vì một Hà Tiên không ngừng phát triển.
Ngày nay, Hà Tiên đang khoác lên mình một màu áo mới, kết cấu hạ tầng đang được đầu tư hoàn chỉnh để khai thác tiềm năng của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều mặt. Đặc biệt là sự đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ một thế mạnh có một không hai ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm này, đến Hà Tiên ta sẽ thấy được sự thay đổi đến diệu kỳ, ngày xưa khai hoang mở đất, thì ngày nay Hà Tiên đang có những dự án lấn biển ngoạn mục, xây dựng lên những đô thị hiện đại mà cảnh quan thiên nhiên vẫn được bảo tồn nghiêm ngặt, giá trị văn hóa lịch sử ngày càng được nâng lên với nhiều lễ hội độc đáo, nhằm tưởng nhớ công lao và giáo dục truyền thống yêu nước của bao thế hệ “công thần lập quốc”… Vì một Hà Tiên phát triển bền vững trong tương lai.