Tin tức

Gọi vốn vào công nghiệp hỗ trợ và dự án PPP

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2011 sẽ tập trung kêu gọi đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

 

 

Việc lựa chọn các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP là điểm khác biệt của Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2011 so với các năm trước, thưa bà?

 

Theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, có 9 nhóm lĩnh vực, dự án được đưa ra thí điểm, đó là các nhóm dự án có quy mô lớn, yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế – xã hội.

 

Điều đó có nghĩa là, việc kêu gọi xúc tiến đầu tư cho các dự án trên không thể hoàn thành trong một năm, mà cần có một giai đoạn, với các lớp lang công việc rất cụ thể, từ chuẩn bị dự án, lập dự án, tổ chức giới thiệu dự án đến tìm kiếm nhà đầu tư, nhà cung cấp tài chính…

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lựa chọn các dự án phù hợp để tiến hành xúc tiến, vận động đầu tư, với các địa điểm tổ chức dự kiến là Hoa Kỳ, Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu.

 

 

Nội dung kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dường như đã được nhắc tới khá nhiều, nhưng kết quả vẫn chưa được như kế hoạch.

 

Khó khăn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chính là vẫn chưa có chính sách, thông tin cụ thể về các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Bộ Công thương cũng đã có một số quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng chưa hội tụ đủ các điều kiện để liên kết các công đoạn của sản xuất, chưa xác định được yếu tố vùng trong phát triển ngành, sản phẩm.

 

Chính vì vậy, trong năm 2011, chúng tôi xác định, sẽ xây dựng chương trình tổng thể dài hạn để xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, bắt đầu bằng việc xây dựng chính sách, nhận diện thực trạng, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực, tình trạng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đề xuất tổ chức hội thảo trong nước để xác định nhu cầu đầu tư, từ đó xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư. Cách làm là hướng trực tiếp đến các đối tác có thế mạnh trong các ngành này, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hướng tới nhóm ngành cụ thể.

 

 

Điều đó cũng có nghĩa là, công tác xúc tiến đầu tư năm 2011 sẽ được thực hiện theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực và theo vùng miền, thưa bà?

 

Mục tiêu của việc làm đó là đảm bảo công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả hơn. Ngay cả hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thì công việc không chỉ giới hạn ở kêu gọi từ bên ngoài, mà cần phải thực hiện chương trình tổng thể, với nhiều hoạt động liên kết, tạo cơ sở để có liên kết cuối cùng là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tạo điều kiện để phát triển năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, đủ khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Yếu tố liên kết cũng sẽ được tính đến trong xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương, các vùng, miền, để giảm tối đa tính tự phát, cũng như sự cạnh tranh triệt tiêu nhau trong thu hút đầu tư.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status