Tin tức

Gỡ khó cho doanh nghiệp FDI chưa đăng ký lại

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án gỡ rối cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa đăng ký lại.

27 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại TP.HCM (với tổng vốn đầu tư là 672 triệu USD, vốn điều lệ 634,4 triệu USD) sẽ hết hạn hoạt động vào cuối năm 2012 đang hồi hộp chờ đợi quyết định chính thức từ Thủ tướng Chính phủ, sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký Công văn số 4866/BKHĐT-ĐTNN, ngày 5/7/2012 trình Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký lại của các doanh nghiệp FDI.

 

Lý do là, theo quy định tại Điều 3, Luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản, 27 doanh nghiệp này sẽ phải giải thể, chấm dứt hoạt động, không được quyền gia hạn khi giấy phép đầu tư hết hạn, vì không tiến hành các thủ tục đăng ký lại trước ngày 1/7/2011.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong hai phương án đệ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêng về phương án Chính phủ trình Quốc hội khoá XIII vào kỳ họp cuối năm 2012 ban hành Nghị quyết bỏ khoản 2, Điều 170, Luật Doanh nghiệp năm 2005 mà không chờ sửa Luật Doanh nghiệp (được thực hiện vào năm 2013). “Nếu thực hiện theo phương án này, thì thời hạn đăng ký lại sẽ được xoá bỏ”, ông Hoàng phân tích.

 

Phương án thứ hai trong đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các doanh nghiệp FDI tiếp tục được đăng ký lại cho đến khi sửa Luật Doanh nghiệp.

 

Nếu phương án xoá bỏ thời hạn đăng ký lại được chấp thuận, không chỉ 27 doanh nghiệp FDI chấp chới đến hạn trên, mà khoảng 3.000 doanh nghiệp FDI thuộc diện phải đăng ký lại, nhưng chưa tiến hành đăng ký (trong tổng số 6.000 doanh nghiệp FDI được cấp phép trước khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời) sẽ không bị giới hạn bởi khung khổ giấy phép đầu tư đã được cấp trước đó.

 

“Các doanh nghiệp, dự án FDI được cấp phép trong giai đoạn này đã có thời gian sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả tại Việt Nam, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, có đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp khó xoay xở với ngành nghề, sản phẩm hiện tại. Nếu được tháo gỡ về thời hạn đăng ký lại, các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch vượt khó thuận lợi hơn, tiếp tục đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Hoàng nhận xét và cũng nhắc lại quy định về đăng ký lại không được áp dụng với các doanh nghiệp trong nước đã thành lập trong cùng thời kỳ.

 

Cũng phải nói rõ, đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề này được nhắc tới. Không chỉ gia hạn thời gian đăng ký lại (từ 2 năm lên 5 năm), vào năm 2011, kế hoạch thay thế Nghị định 101/2006/NĐ-CP về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp FDI cũng đã được thực hiện khi tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký lại thấp.

 

Mục tiêu của việc yêu cầu doanh nghiệp FDI đăng ký lại là nhằm thống nhất hoạt động của các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Hơn thế, về bản chất, việc đăng ký lại của doanh nghiệp FDI liên quan đến nguyên tắc quản trị doanh nghiệp. Nếu trước đây, việc quản trị doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc đối nhân (cụ thể là nguyên tắc nhất trí), thì kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực, việc quản trị doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc đối vốn (quyền quyết định thuộc về đại diện 65% vốn điều lệ).

 

Tuy vậy, đây lại là điểm nghẽn, dẫn tới số lượng doanh nghiệp FDI thực hiện đăng ký khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp không có được sự nhất trí trong hội đồng quản trị về việc tiến hành đăng ký lại, nhất là trong các doanh nghiệp có một bên liên doanh yếu thế hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lo ngại những thay đổi về ưu đãi đầu tư khi tiến hành đăng ký lại…
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status