Tin tức

Gạo Việt tìm kiếm thị trường mới

 Trước những khó khăn ở những thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, việc đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới là giải pháp mở đường cho các DN gạo tiếp tục phát triển.

Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với Comoros (một quốc gia ở khu vực Đông Phi) với nội dung Việt Nam sẽ cung cấp cho Comoros 60.000 tấn gạo mỗi năm trong thời gian từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2015.

Trước đó, cuối tháng 3/2013, Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo với Guinea, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp cho Guinea 300.000 tấn gạo mỗi năm, thời gian hiệu lực từ ngày 1/4/2013 đến 31/12/2015. Comoros cũng là thị trường thứ 3 tại châu Phi (sau Guinea và Cộng hoà Sierra Leone) có Biên bản ghi nhớ nhập khẩu gạo trực tiếp từ Việt Nam.

Châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới với nhu cầu trên 9 triệu tấn gạo/năm, trong đó lượng gạo nhập khẩu 6,4-6,5 triệu tấn/năm, được coi là thị trường đầy tiềm năng cho gạo xuất khẩu Việt Nam.

Tính từ 1/9 đến 26/9/2013, xuất khẩu gạo sang châu Phi đã chiếm tới 45% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này thường gặp khó khăn do giá cao vì phải thanh toán qua khâu trung gian thì thời gian gần đây, nhờ những bản ghi nhớ xuất khẩu trực tiếp, giá gạo đã giảm khá nhiều.

Mexico cũng là một thị trường mới mở cho gạo xuất khẩu Việt Nam với lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay vào khoảng gần 3.000 tấn. Mặc dù đây chưa phải là con số ấn tượng nhưng điều đáng nói là trước năm 2013, chưa có một lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường này bởi những đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Việc gạo Việt chen chân được vào thị trường này cho thấy, nếu có sự đầu tư đúng mức, gạo Việt Nam vẫn có thể đạt được những yêu cầu ở nhiều thị trường khó tính nhất.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status