Tuy nhiên, khi đưa hàng về nông thôn, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn.
Sau 4 năm triển khai, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng. Chương trình hàng đã và đang góp phần làm thay đổi tâm lý của người mua sắm. Từ hơn 70% người tiêu dùng chuộng hàng ngoại, đến nay có gần 60% chuyển sang ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Khẳng định nhận thức của nhiều người tiêu dùng đã chú ý khi mua hàng Việt Nam sản xuất, ông Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thành phố, cho biết: Các siêu thị trên địa bàn thành phố có từ 80 đến 90% là các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Việc đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, các khu vực xa thành phố, các khu công nghiệp đang được chú ý để phát triển. Người dân đã và đang chú ý đến việc sử dụng nhiều các mặt hàng Việt Nam sản xuất”.
Tuy nhiên, khi đưa hàng về nông thôn nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn đó là: Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ khi đưa hàng về khu vực này, nhiều doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương trong việc lựa chọn, xây dựng các điểm bán hàng. Đặc biệt, hệ thống phân phối chưa hoàn thiện nên doanh nghiệp khi tham gia chương trình gặp nhiều trở ngại khi đưa hàng về vùng nông thôn.
Một bất cập được ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C cho biết: Hiện, các doanh nghiệp thường sử dụng đại lý để làm kênh phân phối, tuy nhiên lại không kiểm soát được giá bán ra của các đại lý cho các nhà bán lẻ. Do đó, giá hàng hóa bị đội lên qua các khâu trung gian làm cho người tiêu dùng nhiều khi phải mua với giá cao.
Để việc đưa hàng Việt về nông thôn đến tay người tiêu dùng được thường xuyên thì việc tổ chức phải tốt hơn. Việc thiết lập chuỗi bán hàng cung ứng đều đặn và phát triển bền vững là chính sách cần hướng tới. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, tăng cường công tác truyền thông, tiếp thị và quảng bá cho hàng Việt; thêm vào đó là phải tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động cụ thể tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
Để giải quyết những bất cập này, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở công thương Hà Nội cho biết: Hiện nay, Sở Công Thương cũng đã trình Ủy ban thành phố quy hoạch lại mạng lưới bán buôn bán lẻ, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Trong lúc hệ thống kênh phân phối chưa được hoàn thiện đầy đủ thì trước mắt, Sở chỉ đạo tăng thêm nhiều chuyến hàng lưu động. Hình thức này trước mắt giúp bà con nông dân được mua sắm thuận lợi.
Đưa hàng Việt về nông thôn góp phần tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và địa phương. Tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để đưa hàng hóa với giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng sẽ khuyến khích họ dùng hàng Việt nhiều hơn. Thêm vào đó lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả nhất là ở vùng nông thôn, góp phần bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của những doanh nghiệp có uy tín. Đó là những giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ./.