Tin tức

Gần 200.000 tỷ đồng đầu tư vào ĐBSCL

Ngày 25-7, tại TPHCM, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – Cà Mau 2011 (MDEC 2011), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và TPHCM tổ chức sơ kết hợp tác toàn diện giữa TPHCM và vùng ĐBSCL. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

 

Ngày 25-7, tại TPHCM, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – Cà Mau 2011 (MDEC 2011), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và TPHCM tổ chức sơ kết hợp tác toàn diện giữa TPHCM và vùng ĐBSCL. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Thành ủy và UBNDTP chủ trương đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các tỉnh, TP cả nước nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh mỗi địa phương, trao đổi kinh nghiệm trong định hướng phát triển kinh tế.

 

Phát triển kinh tế và hạ tầng xã hội

 

Những năm gần đây kinh tế khu vực ĐBSCL có những bước phát triển đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng ở khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ).

 

ĐBSCL chuyển từ kinh tế thuần nông sang nền kinh tế đa dạng, nông nghiệp chất lượng cao và đang hướng tới nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Các doanh nghiệp (DN) TPHCM nhận thấy các tỉnh ĐBSCL có lợi thế về giá thuê đất thấp so với mặt bằng giá TPHCM. Việc các DN TPHCM đầu tư và hình thành những khu công nghiệp (KCN) đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh, từ thuần nông nghiệp chuyển sang công nghiệp chiếm phần lớn tỷ trọng trong GDP; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương và giảm bớt xu hướng di dân trong độ tuổi lao động vào TPHCM.

 

Việc hợp tác cũng tạo ra một hệ thống hạ tầng xã hội cần thiết xung quanh các dự án như cầu đường, trường học, trạm xá và các dịch vụ khác…, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

 

Từ năm 2000 đến tháng 6-2011, TPHCM đã ký kết chương trình hợp tác kinh tế-xã hội với 34 tỉnh thành, trong đó 782 DN của TPHCM đã ký kết hợp tác tại 13/13 tỉnh, TP ở ĐBSCL với 782 dự án, tổng trị giá ước khoảng 198.680 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm có 420 dự án triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 60.200 tỷ đồng, chủ yếu ở các lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN, trung tâm thương mại, siêu thị, chế biến lương thực thực phẩm, thủy hải sản, khu dân cư, khu du lịch – vui chơi giải trí, sản xuất công nghiệp, hạ tầng kết nối giao thông, khu xử lý rác tập trung. Long An là địa phương thu hút đầu tư mạnh nhất ở vùng ĐBSCL. Hiện có 17 KCN, tổng diện tích quy hoạch gần 7.258ha, trong đó có 8 KCN đang hoạt động.

 

Nâng tầm quan hệ hợp tác

 

Theo Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, TPHCM có quan hệ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội cả nước, có tiềm năng về khoa học công nghệ, lực lượng lao động chất lượng cao, vốn lớn, kinh nghiệm, là thị trường tiêu thụ lớn, cửa ngõ giao thương trong khu vực và thế giới. Việc thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện giữa TPHCM và ĐBSCL là tất yếu, hỗ trợ các tỉnh khai thác tốt nguồn lực đầu tư trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

 

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế so với các tiềm năng. Hệ thống giao thông chưa thuận tiện, chi phí đầu tư dự án tại một số tỉnh khá cao. Chương trình hợp tác có trường hợp chưa mang tính liên tục. Một số chương trình, dự án chưa thực hiện đúng tiến độ, chưa đáp ứng nhu cầu bức xúc của địa phương. Chưa thường xuyên tổ chức họp sơ kết kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm, kịp thời thúc đẩy chương trình hợp tác đi vào chiều sâu, toàn diện hơn. Chưa thực hiện được các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chiều sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốt nhất lợi thế trong hợp tác để khai thác đúng mức tiềm năng của vùng. Việc phối hợp, hợp tác của một số ngành còn xem nhẹ, chưa được lãnh đạo ngành quan tâm nên hiệu quả triển khai chưa cao. Một số dự án chưa có sự thống nhất cao giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư dẫn đến chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nguồn nhân lực ở ĐBSCL tuy dồi dào nhưng chất lượng và trình độ lao động thấp, lực lượng này chủ yếu sử dụng ở những lĩnh vực cần nhiều lao động phổ thông như may mặc, thủy sản, da giày…

 

Trong khi đó, những ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao rất khó kiếm lao động. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn hiện nay của nhiều địa phương, nếu không có giải pháp xử lý triệt để sẽ dẫn đến nguy cơ rất khó lường trong tương lai gần…

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status