Tin tức

FDI – không chỉ quan tâm “kế hoạch năm”

Xu hướng sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục khi 8 tháng qua, chỉ có 7,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng này đã bắt đầu ngay từ năm ngoái, kéo sang năm nay, có thể sẽ tiếp diễn trong những tháng cuối năm, thậm chí tới cả năm sau. Vì thế, dư luận đã lại bắt đầu bàn về câu chuyện FDI sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Song liệu đó có phải là điều quan trọng nhất?

 

Quả thực, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều khả năng năm nay, vốn FDI thu hút mới và bổ sung chỉ đạt khoảng 17 tỷ USD, không đạt kế hoạch đề ra (20 tỷ USD) và thậm chí, ngay cả con số này cũng không dễ đạt được. Trong 8 tháng, cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm mới đạt trên 9,56 tỷ USD – còn một khoảng cách rất xa để có thể với tới ngưỡng 17 tỷ USD.

 

Trong khi đó, kế hoạch năm tới, con số này chỉ khoảng 15 tỷ USD. Một sự sụt giảm rất rõ rệt và cơ quan quản lý về FDI, có lẽ cũng đã ý thức rất rõ về điều này.

 

Sự sụt giảm dòng vốn FDI, có thể lý giải trước tiên bằng chính sự khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Song nguyên nhân chính, có lẽ nằm ở sự chậm giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, như hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… Một vấn đề khác cũng được nói tới nhiều, đó là sự thu hẹp dần các chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp. Biểu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang được cào bằng, bất động sản cũng bằng sản xuất, nên khó khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất…

 

Cho dù vốn đăng ký không phải là điều quan trọng nhất, mà là vốn giải ngân, nhưng cũng không thể không quan tâm xu hướng sụt giảm này. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn hẹp, đẩy mạnh thu hút FDI là cần thiết, bởi đây là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, muốn dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam, thì những bài toán nói trên rất cần có lời giải.

 

Nhưng trên một khía cạnh khác, cũng phải thấy rằng, đã đến lúc, không nên quá quan tâm đến số lượng vốn đăng ký. Việc đánh giá FDI, không thể chỉ quan tâm ở lượng vốn đầu tư, ngay cả với vốn giải ngân cũng vậy, mà phải xem dòng vốn ấy, dù chỉ bằng 70% so với trước kia, có đầu tư đúng vào lĩnh vực mà chúng ta cần, đúng công nghệ, đúng sản phẩm cạnh tranh ta mong muốn hay không? So với vốn đăng ký, thì chất lượng và cơ cấu vốn đầu tư còn quan trọng hơn nhiều. Vốn đăng ký lớn, mà giải ngân thấp, khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện quá xa, thì cũng là một sự lãng phí.

 

Rõ ràng, còn rất nhiều việc phải bàn về FDI trong năm tới, 5 năm hay thậm chí là 10 năm sau, chứ không chỉ là xem liệu có thể đạt kế hoạch đề ra về vốn đăng ký hay không.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status