Tin tức

FDI gặp khó vì giải phóng mặt bằng

Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang bị đình trệ vì những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Dư luận có lẽ không còn lạ với thông tin liên quan đến sự đình trệ của Dự án Thép Tata (Vũng Áng, Hà Tĩnh). Ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2007 và được coi là điểm nhấn quan trọng cho ngành thép, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD, nhưng đến nay, Dự án thép Tata vẫn chưa được cấp chứng nhận đầu tư và một trong những lý do rất quan trọng, đó là vì vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

 

Theo thông tin của Báo Đầu tư, với diện tích đất chiếm dụng lên đến trên 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng. Con số này, theo ông Nguyễn Đình Vận, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, là “rất lớn và vì thế, ngân sách tỉnh không đủ sức cáng đáng”. Tỉnh đã đề nghị Tata ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng, song vào thời điểm này năm 2011, Tata lại chỉ chấp thuận ứng trước 30 triệu USD, tương đương với mức tạm ứng của một nhà đầu tư lớn khác ở Vũng Áng.

 

Sau một thời gian dài thương thảo, thậm chí đã có lúc Tata muốn rút khỏi Việt Nam, còn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tính đến chuyện “viện nhờ” ngân sách Trung ương mà không thành, Tata đã quyết định chấp nhận tạm ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng với một con số “lớn hơn bất cứ số tiền nào mà các nhà đầu tư trước đó cam kết chi trả tại khu kinh tế này”. Không tiết lộ cụ thể con số là bao nhiêu, nhưng ông Indronil Sengupta, đại diện của Tata đã cho biết như vậy.

 

Sau thiện chí này, thể hiện quyết tâm rất lớn của Tata trong việc tiếp tục theo đuổi dự án tại Việt Nam. Tata đang mong có chữ ký của tỉnh Hà Tĩnh trong giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng thế nào thì có lẽ vẫn phải tiếp tục chờ.

 

Cùng nằm trong cảnh chờ đợi như Tata, là một dự án thép lớn khác – Dự án Guang Lian (Dung Quất) của nhà đầu tư Đài Loan E-United. Thông tin mà Báo Đầu tư thường xuyên nhận được kể từ khi E-United có được sự xác nhận từ phía ngân hàng cho vay vốn, đó là “không lâu sau đây, dự án sẽ được cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD”. Thậm chí, sau khi những thông tin liên quan tới việc JFE Steel (Nhật Bản), công ty sản xuất thép lớn thứ 6 thế giới, lên kế hoạch sẽ cùng E-United triển khai xây dựng dự án này được công bố, những kỳ vọng này càng trở nên chắc chắn hơn.

 

Nhưng đã hai tháng trôi qua kể từ khi E-United và JFE ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, và mặc dù chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi là sẽ cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho E-United trước, rồi sau khi JFE vào thì tiếp tục cấp phép điều chỉnh một lần nữa, song tới thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ văn bản nào được ký.

 

Thông tin từ vị này cho biết, thời điểm năm 2007, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án chỉ là 50.000 đồng/m2, nhưng sau nâng lên tới 96.000 đồng/m2. Còn hiện tại, thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ – CP, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho  có thể gấp đôi, gấp ba lần như thế. “Nếu phải tự mình giải phóng mặt bằng, thì với chi phí này, chúng tôi sẽ gặp khó khăn rất lớn”, vị này nói.

 

Từ sau khi Nghị định 69/2009/NĐ – CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất… được ban hành, rất nhiều địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất “than” khó thu hút đầu tư hơn.

 

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư tại Việt Nam là do tiền thuê đất rẻ hơn, nhưng lợi thế này đang mất dần. “Áp dụng các quy định của Nghị định 69/2009/NĐ – CP thì tốt cho nông dân Việt Nam, nhưng với chúng tôi thì không, thậm chí Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh so với nước khác. Nhiều dự án gặp khó khăn và không biết có nên triển khai tiếp hay không”, ông Hong Sun nói.

 

Trong khi đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), diễn ra hôm 29/5 vừa qua, nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Theo Tiểu nhóm Công tác điện, chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường và cải tạo mặt bằng thường khá lớn, tùy vào quy mô của nhà máy và địa điểm, những chi phí này có thể lên tới trên 50 triệu USD. Thêm nữa, một vấn đề không kém phần rắc rối khác là, chính quyền địa phương nơi có đất thường tuyên bố rằng, họ không có kinh phí để ứng trước cho công tác giải phóng mặt bằng. “Vì vậy, nhà đầu tư sẽ phải lựa chọn giữa tự ứng trước chi phí, đồng thời gánh luôn rủi ro do không biết dự án có được cấp phép suôn sẻ và mình có được phê duyệt kinh phí hay không, hoặc chờ cho đến khi được phê duyệt kinh phí mới bắt đầu đền bù và cải tạo mặt bằng. Công tác đền bù, cải tạo mặt bằng, tùy địa điểm, có thể kéo dài đến 2 năm hoặc hơn. Hậu quả là, chậm tiến độ dự án…”, Tiểu nhóm Công tác điện bày tỏ.

 

Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ, không chỉ các dự án điện gặp phải vấn đề này. Để tháo gỡ khó khăn cho thu hút FDI, cũng như để giải vây cho nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, rất nhiều đề xuất về việc sửa đổi Nghị định 69/2009/NĐ – CP đã được đưa ra.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status