Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tác động tích cực đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, điều này không thể trở thành hiện thực, nếu như cả trăm tỷ USD vốn đăng ký cứ mãi nằm trên giấy chứng nhận đầu tư, một phần do không có đất sạch để triển khai dự án.
Trên thực tế, nhiều dự án FDI phải “chôn vốn” bên ngoài biên giới do không thể triển khai. Đại diện một dự án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, họ không thể hoàn thành giai đoạn I của dự án trong năm 2011 như cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp vào năm 2007, vì địa phương vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao đất. Điều này cũng có nghĩa là, nguồn ngoại tệ mà chủ đầu tư đã chuẩn bị để chuyển vào Việt Nam thực hiện dự án vẫn nằm ngoài biên giới Việt Nam, tức là chưa thể ghi nhận vào cán cân thanh toán của Việt Nam.
Điều đáng tiếc là, việc 4 năm đợi đất sạch của dự án trên không phải là cá biệt, thậm chí còn “khá hơn” so với một số dự án khác, như Dự án Tây Hồ Tây (Hà Nội) đã phải đợi đất tới 5 năm. Khoảng doãng giữa vốn đăng ký và giải ngân đang tiếp tục gia tăng. Nếu như giai đoạn 1997 – 1004, tỷ lệ giải ngân đạt 73,5%, thì giai đoạn 2006 – 2008, tỷ lệ này chỉ còn 40,1%.
Trong các báo cáo tổng kết hàng năm về tình hình thực hiện vốn FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng như các địa phương, nguyên nhân hàng đầu lý giải cho sự chậm trễ trong giải ngân vốn FDI là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư. Vấn đề này thể hiện đặc biệt rõ tại các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các dự án trong lĩnh vực bất động sản… được cấp phép cấp tập vào những năm 2007 – 2008.
Hậu quả của việc chậm giải ngân nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế đã khá rõ. Đó không chỉ là tình trạng thiếu vốn cho đầu tư phát triển, gia tăng năng lực sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất hàng xuất khẩu, mà còn là yếu tố gây thâm hụt cán cân vãng lai, tạo khan hiếm ngoại tệ và qua đó tác động trực tiếp tới khả năng dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng như tỷ giá giữa VND và ngoại tệ. Do vậy, để ổn định kinh tế vĩ mô, không thể không bàn tới các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ vốn FDI đã cam kết.