Ngày 24/3/2014, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ban hành lệnh cấm kinh doanh thủy sản từ 3 nước khai thác thủy sản trái phép là Belize, Campuchia và Guinea.
Ba nước trên đã không nỗ lực trong ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, không báo cáo và không quản lý (IUU). Lệnh cấm thể hiện các quốc gia thành viên EU không chấp nhận thủy sản NK từ Belize, Campuchia và Guinea và các tàu cá của EU cũng sẽ không khai thác tại các ngư trường thuộc các nước này.
Bà Maria Damanaki, Cao ủy Nghề cá của EU phát biểu: “Đây là những quyết định mang tính lịch sử, thể hiện rằng EU đi đầu trong việc đấu tranh chống khai thác trái phép. Tôi hy vọng việc đưa Belize, Campuchia và Guinea vào danh sách đen sẽ khiến các nước này tăng cường nỗ lực và hợp tác với cộng đồng quốc tế để loại bỏ khai thác trái phép.”
Năm 2012, bà Damanaki đã đưa ra cảnh báo đối với một số nước khai thác IUU như Belize, Cambodia, Fiji, Guinea, Panama, Sri Lanka, Togo and Vanuatu. Đến năm 2013, Belize, Campuchia và Guinea có rất ít tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề khai thác IUU, trong khi Fiji, Panama, Sri Lanka, Togo và Vanuatu đã có những bước tiến đáng kể.
Bốn tổ chức môi trường gồm Oceana, Quỹ Công lý Môi trường (EJF), Pew Charitable Trusts và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đồng loạt kêu gọi EU ban hành lệnh cấm kinh doanh thủy sản khai thác IUU. Theo ước tính, khai thác IUU gây tổn thất từ 7 – 17 tỷ EUR/năm.
Đại diện của EJF khẳng định: “Việc thị trường thủy sản lớn nhất thế giới đóng cửa đối với các quốc gia không hợp tác trong phòng chống khai thác IUU là một bước tiến quan trọng và EJF hoan nghênh quyết định này của EU.”
Theo đại diện của Oceana, những nỗ lực của EU trong đấu tranh chống khai thác IUU trên quy mô toàn cầu đã được cụ thể hóa bằng một bước tiến không ngờ. Oceana hy vọng các nước khai thác thủy sản trên toàn thế giới sẽ coi EU là tấm gương và sẵn sàng đi theo con đường này để loại bỏ hoàn toàn khai thác IUU.