Năm 2011, Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 30- 31 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu từ du lịch đạt 110.000 tỷ đồng.
Trong thư chào mừng Năm du lịch quốc gia 2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân- Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch nhấn mạnh tiềm năng biển, đảo với sự đa dạng sinh học là thế mạnh to lớn để phát triển các loại hình du lịch biển đảo. Nhà nước cũng đã có Chiến lược biển đến năm 2020 xác định kinh tế biển, trong đó du lịch biển là một mũi nhọn trong phát triển đất nước.
Năm 2010, Du lịch Việt Nam đạt được thành tích vượt bậc là đón hơn 5 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 34,8% so với năm 2009; triển khai quyết liệt các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng.
Các thị trường tiềm năng, truyền thống, thị trường gần được quan tâm nhất như: Trung Quốc, ASEAN, Tây Âu, Đông Bắc Á… và đã cho những kết quả rõ rệt.
Nhằm đạt được hiệu quả cao trong thu hút du lịch, năm nay, Tổng cục Du lịch đề xuất tái đầu tư cho hoạt động quảng bá. Thực tế năm 2010 cho thấy, nếu quảng bá mạnh ở thị trường nào, khách ở thị trường đó tăng rất cao.
Quan điểm của Tổng cục Du lịch là “quảng bá quy mô lớn, có chiều sâu với những sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh” chứ không dàn trải kiểu cuộc hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế nào cũng tham gia nhưng hiệu quả không cao. Khách ở những thị trường mục tiêu, thị trường mới như Trung Đông cũng được chú trọng quảng bá với tần suất cao, quy mô lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, những gì đạt được trong năm 2010 là chưa từng có của Du lịch Việt Nam nhưng so với các nước khác trong khu vực thì chúng ta còn thua kém xa. Và những yêu cầu về tính chuyên nghiệp, bài bản, có chiều sâu trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của chúng ta vẫn quá hạn chế.
Ông Tuấn khẳng định: Nếu không đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thì chúng ta khó đạt được mục tiêu mong đợi trong năm 2011 và những năm tới.
“Chúng tôi đã đề xuất cơ chế với mỗi khách du lịch đến Việt Nam sẽ dành 1 USD để đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam ở trong nước và nước ngoài”- ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Theo cách tính toán này, nếu năm 2011, ngành Du lịch được đầu tư thêm 5 triệu USD (tương đương 100 tỷ đồng) để thực hiện quảng bá, xúc tiến thì những chiến dịch quảng bá về Việt Nam sẽ được nâng tầm lên rất nhiều.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng sẽ chủ động hơn chứ không dồn hết về cuối năm như hiện nay trong khi kế hoạch đi du lịch của khách quốc tế được bố trí trước cả năm. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc này để tăng cường quảng bá và đầu tư cho quảng bá du lịch của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng cao hơn con số này nhiều.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề xuất mỗi khách du lịch đến Việt Nam sẽ dành 1 USD để đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam là rất hay.
Ông Bình khẳng định: “Phải coi việc quảng bá, xúc tiến là việc đương nhiên phải làm và làm thường xuyên, chia ra nhiều cấp độ: xúc tiến điểm đến (cơ quan Du lịch quốc gia), xúc tiến sản phẩm đặc trưng địa phương (các địa phương), xúc tiến tour, tuyến (doanh nghiệp). Nếu việc phân cấp không rõ ràng thì chúng ta vẫn bị động và không hiệu quả trong quảng bá”.
Ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Du lịch dịch vụ Apex Việt Nam cho rằng quan trọng nhất trong phát triển du lịch, quảng bá du lịch là vấn đề con người và nhận thức.
Theo ông Trấn, khách du lịch đến Việt Nam người ta chỉ biết người tiếp xúc, phục vụ họ như nhân viên hải quan, lễ tân nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên; những người dân họ gặp ở những nơi họ đến. Vì thế, kênh quảng bá hiệu quả chính là ở việc người Việt Nam tiếp đón khách với thái độ thế nào, với cách thức thế nào và những thứ chúng ta mang ra đãi khách, khoe với khách là cái gì… Và đôi khi, chỉ cần một nụ cười thân thiện sẽ đem lại cho khách những nguồn vui rất lớn.
Theo kế hoạch, năm Du lịch quốc gia 2011 được tổ chức tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là cơ hội để quảng bá du lịch biển, đảo Việt Nam với quy mô quốc gia. Sự kiện kéo dài cả năm 2011 này cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng và sản phẩm du lịch biển, góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh, thành vùng này và thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.