Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ là dự án đường cao tốc đầu tiên do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp theo hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT).
Sau gần 6 tháng “cân, đo”, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã quyết định đề xuất Chính phủ phương án chọn Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco – Central), thay vì Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu, làm nhà đầu tư Dự án nâng cấp đoạn đầu tiên của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông theo hình thức BOT.
Lý do khiến Bộ GTVT ủng hộ mạnh mẽ việc chỉ định Tổng công ty Nexco – Central làm nhà đầu tư, mà không cần phải qua đấu thầu rộng rãi quốc tế, được nêu rõ tại Văn bản số 1315/BGTVT-ĐTCT vừa được Bộ này gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, nếu chỉ định Nexco – Central đầu tư mở rộng công trình đường bộ cao tốc này, ngoài việc rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư (khoảng 3 tháng), Dự án sẽ có tính khả thi tài chính cao hơn nhờ được vay vốn lãi suất thấp từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện năng lực của các nhà đầu tư trong nước tham gia thực hiện dự án đường cao tốc còn hạn chế cả về tài chính, lẫn kinh nghiệm quản lý khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng có nhiều nét đặc thù này. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh nổi trội của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Điểm mắc duy nhất của việc chọn nhà đầu tư này là tỷ lệ lợi nhuận của Nexco – Central tương đối cao (23%) so với mức lợi nhuận tại các dự án đường cao tốc hiện đang do Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất.
“Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao Tổ công tác liên ngành có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan đàm phán với nhà đầu tư để đưa tỷ lệ lợi nhuận xuống mức hợp lý”, Bộ GTVT đề xuất tại Văn bản số 1315/BGTVT-ĐTCT.
Cần phải nói thêm rằng, việc nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ đường cấp 1 đồng bằng sau 10 năm khai thác lên “chuẩn” cao tốc theo hình thức BOT là một trong những dự án đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư hạ tầng trong và ngoài nước.
Một nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết, kể từ đầu tháng 6/2012 tới nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực giao thông này đã nhận được rất nhiều đề xuất đầu tư nâng cấp tuyến đường cửa ngõ Thủ đô này theo hình thức BOT từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trước đó, Dự án này từng được Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư như là một phần của tuyến đường cao tốc từ Hà Nội tới Ninh Bình. Bản thân Nexco – Central vào đầu năm 2011 cũng đưa ra đề xuất là phối với với VEC thành lập 1 liên doanh PPP đầu tư nâng cấp tuyến đường này, nhưng không thành do đối tác Việt Nam quá “bận rộn” với những dự án cao tốc lớn khác.
Theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà Bộ GTVT chọn Nexco – Central để “gửi vàng”, bởi đây được xem là một nhà đầu tư có thực lực nhất từng “gõ cửa” tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giao thông.
Nexco – Central được thành lập vào tháng 10/2005 trên cơ sở chia tách từ Tổng công ty Đường cao tốc quốc gia Nhật Bản thành 3 công ty. Nexco hiện vẫn là công ty 100% vốn nhà nước, quản lý khai thác 1.746 km đường cao tốc và 430 km đường đang xây dựng. Báo cáo thường niên năm 2011 của nhà đầu tư Nhật Bản có trụ sở tại Nagoya này cho thấy, Nexco – Central hiện có tổng tài sản khoảng 1.635 tỷ yên (19,9 tỷ USD).
Với tư cách là nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, vận hành đường cao tốc, Nexco – Central được kỳ vọng sẽ đưa vào dự án những kinh nghiệm quản lý và công nghệ khai thác hiện đại, bởi đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên vào đường cao tốc, theo hình thức BOT.
Được biết, ngoài việc huy động vốn đầu tư theo hình thức BOT, xây dựng – chuyển giao (BT), đối tác công – tư (PPP) cho tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, với kinh phí lên tới 272.600 tỷ đồng, Bộ GTVT đang kêu gọi các nhà đầu tư vào 18 dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh tới Cần Thơ, với tổng mức đầu tư khoảng 91.000 tỷ đồng.