Tin tức

Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết: Lộ dần cơ hội đầu tư

Nhà đầu tư thứ hai cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức PPP sẽ được tuyển chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tài chính, hạ tầng trong và ngoài nước tại Quyết định số 1495/BGTVT về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) ký ban hành vào đầu tuần này.

 

Có khá nhiều thay đổi về nội dung đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vừa được phê duyệt so với phương án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (nằm trong tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam) từng được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm 2010.

 

Khác biệt đầu tiên là việc Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) không còn là nhà đầu tư duy nhất của Dự án. Theo đó, để nâng cao tính khả thi trong việc huy động vốn, Bitexco sẽ kết hợp với một nhà đầu tư nữa để thành lập doanh nghiệp dự án đứng ra huy động vốn, xây dựng và vận hành công trình. Mặc dầu vậy, theo tin từ Bộ GTVT, Bitexco sẽ giữ vai trò là cổ đông chi phối trong doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án.

 

Khác biệt thứ hai là, tổng mức đầu tư công trình hiện đã tăng lên 23.224 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn, tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với đề xuất trước đây. “Cũng cần phải nói thêm rằng, đây cũng chỉ là tổng mức đầu tư tạm duyệt. Khi có kết quả rà soát của tư vấn quốc tế do Ngân hàng Thế giới (WB) tuyển chọn, Bộ GTVT sẽ xem xét phê duyệt chính thức”, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết.

 

Được biết, do nằm trong khuôn khổ hỗ trợ của WB thực hiện thí điểm đầu tư dự án theo hình thức PPP, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế đặc thù cho Dự án sẽ được thực hiện bởi cố vấn của WB. Trước mắt, cơ cấu nguồn vốn Dự án được huy động từ các nguồn sau: vốn của các nhà đầu tư tư nhân trong, ngoài nước; vốn hỗ trợ từ nguồn vốn lãi suất thấp của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA); vốn của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD); vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, Quyết định số 1495 của Bộ GTVT chỉ là điều kiện cần, các nhà đầu tư vẫn sẽ phải chờ đợi thêm phương án tài chính, bao gồm cả bài toán hoàn vốn, bảo lãnh, trả nợ phần vốn vay từ WB; bài thầu lựa chọn nhà đầu tư thứ hai do các cố vấn WB lập.

 

Trước đó, Bộ GTVT đã từng đề xuất cơ cấu nguồn vốn đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) Dự án như sau: vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước (10,6%); vốn vay thương mại từ các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu (khoảng 11%), vốn hỗ trợ của ngân sách (VGF) cho chi phí xây dựng (29,4%); vốn vay từ IBRD (49%).

 

“Với những khó khăn thực tế về khả năng hoàn vốn của các dự án đường cao tốc, việc cho phép nhà đầu tư tư nhân được sử dụng vốn vay thương mại lãi suất thấp của các nhà tài trợ quốc tế được coi là phương án huy động hiệu quả và khả thi nhất”, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

 

Cần phải nói thêm rằng, việc xây dựng đoạn đường cao tốc dài 100 km, gồm 6 làn xe chạy qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất xác định là Dự án thí điểm đầu tiên trong chương trình hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý về PPP. Bộ cũng đã có công hàm gửi WB đề nghị đưa công trình này vào danh mục vay vốn WB tài khóa 2010 – 2011.

 

Không chỉ hấp dẫn về hình thức đầu tư mới, Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết nằm trong tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đánh giá là công trình hạ tầng có tính khả thi tài chính cao vào loại bậc nhất hiện nay.

 

Bắt đầu từ điểm giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (km43+125) thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách Quốc lộ 1 khoảng 2,58 km), tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến là 101,28 km, trong đó phần cao tốc chính tuyến dài 98,7 km, phần tuyến kết nối dài 2,58 km. Nếu công tác chuẩn bị suôn sẻ, Dự án sẽ được khởi công vào năm 2012 và hoàn thành sau đó 4 năm.

 

Không chỉ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến khu vực Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà; thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển tuyến đường vành đai 3 và 4  TP.HCM.

 

Bộ GTVT đặt rất nhiều kỳ vọng vào Dự án như là một sự khai mở cho một xu hướng xã hội hóa rất tích cực trong việc phát triển mạng đường cao tốc quốc gia mà Bitexco – một doanh nghiệp tư nhân thuần túy – đóng vai trò là người khởi đầu

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status