Tin tức

Đồng bằng sông Cửu Long: Kỳ vọng bước phát triển mới

Triển lãm – Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triền Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 – 2010, mà còn là cơ hội giới thiệu, quảng bá những thành quả, hình ảnh và mời gọi đầu tư cho ĐBSCL.

Thành tựu 10 năm

 

Triển lãm – Hội chợ lần này do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 1/5/2012, tại Khu đô thị Nam sông Cần Thơ (Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).

 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã thúc đẩy kinh tế – xã hội các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư, môi trường đầu tư được cải thiện.

 

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2001 – 2010 đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông – lâm nghiệp – thủy sản. Đến năm 2010, tỷ trọng khu vực I chiếm 39% (10 năm trước là 53,5%), khu vực II là 26% và khu vực III là 35%. Nông – lâm – ngư nghiệp đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Giá trị toàn ngành tăng từ 56.292 tỷ đồng năm 2001 lên 101.000 tỷ đồng năm 2010, tăng trưởng bình quân 6,9%/năm; thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp từ 20,2 triệu đồng tăng lên 38 triệu đồng. Năng suất lúa từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha; đưa sản lượng từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn, tăng 35%. Hàng năm, ĐBSCL xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước.

 

Song song với lúa gạo, thủy sản là ngành phát triển mạnh trong những năm qua. Hiện nay, ĐBSCL có diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến 736.400 ha, tăng 500.000 ha so với 10 năm trước. ĐBSCL đã trở thành vùng nuôi và đánh bắt thủy hải sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi trồng và 58% sản lượng thủy sản cả nước.

 

Đi đôi với nông nghiệp, trong những năm qua, ĐBSCL đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa. Giá trị công nghiệp tăng cao, đến năm 2010, toàn vùng đạt giá trị 156 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 18,8%/năm. Trong đó, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chiếm 26%. Thời gian qua, ĐBSCL đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào ngành công nghiệp khí, điện như Trung tâm khí điện – đạm Cà Mau, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), nhà máy điện Duyên Hải (Trà Vinh), nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn.

 

Nhờ lúa gạo, thủy sản cùng công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm phát triển nên xuất khẩu của ĐBSCL trong những năm qua cũng tăng tốc, phát triển mạnh. Kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng bình quân 17,8%/năm. Đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt hơn 6,8 tỷ USD… Trong 10 năm qua, toàn vùng đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 627 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 139 ngàn tỷ đồng, còn lại 488 ngàn tỷ đồng từ vốn đầu tư của doanh nghiệp và vốn đầu tư xã hội…

 

Kỳ vọng bước phát triển mới

 

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tuy đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng nhìn tổng thể, kinh tế vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế, chưa phát triển bền vững; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn  thấp; yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng; một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 chưa đạt.

 

Từ nay đến năm 2020, ĐBSCL đặt mục tiêu phát triển năng động về kinh tế; văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, đóng  góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 – 2020 đạt 12-13%; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP giảm xuống còn 32-30%, công nghiệp – xây dựng tăng lên 33-34%, khu vực thương mại dịch vụ đạt 35-36%.

 

Để đạt mục tiêu này, ĐBSCL phải khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, phát triển toàn diện, tiếp tục đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế biển, tập trung đầu tư Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau); xây dựng Cần Thơ thành trung tâm vùng; Phú Quốc thành đặc khu hành chính – kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, có chính sách thu hút, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước.

 

Tại Triển lãm – Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL, ngoài các hoạt động trưng bày, lễ hội còn diễn ra các hoạt động quan trọng nhằm định hướng, thu hút đầu tư vào địa bàn, như Hội thảo “Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL”; Hội nghị “ Xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL”; Hội thảo “Phát triển thị trường tín dụng về dịch vụ ngân hàng ở ĐBSCL”, hay Hội thảo “Tham vấn định hướng chiến lược phát phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu”…

 

Ban tổ chức cho biết, đến nay đã có 300 đơn vị với khoảng 900 gian hàng đăng ký tham gia Triển lãm – Hội chợ, bước đầu tập hợp được 124 danh mục dự án mời gọi đầu tư của 10 tỉnh, thành, với tổng vốn đầu tư 113.000 tỷ đồng và trên 725 triệu USD. Các tỉnh, thành ĐBSCL kỳ vọng, qua Triển lãm – Hội chợ lần này, hình ảnh ĐBSCL sẽ được nhiều nhà đầu tư biết đến và sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status