Có khách hàng ở 34 nước Âu, Á, Phi; chất lượng gạo đồng nhất…, gạo Campuchia đang có nhiều ưu điểm hơn gạo Việt.
Cạnh tranh toàn diện
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cảnh báo các DN xuất khẩu gạo Việt Nam chớ nên coi thường các nhà xuất khẩu gạo Campuchia. Nước này có các điều kiện về tự nhiên, nhân lực, vật lực để trở thành nước xuất khẩu gạo như Việt Nam. Với hơn 80% dân số làm nông nghiệp, Campuchia sản xuất 9,3 triệu tấn lúa, trừ đi lượng tiêu thụ nội địa thì có khoảng 3 triệu tấn gạo xay cho xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo, chính phủ Campuchia bảo lãnh 50% rủi ro để các ngân hàng thương mại cho vay vốn sản xuất, chế biến và dự trữ gạo.
Nhận định thêm về đối thủ, ông Trương Thanh Phong (VFA) cho biết khách hàng mua gạo của Campuchia trong năm 2013 lên đến 34 nước, tỏa rộng cả ba khu vực châu Á, châu Phi và châu Âu. Riêng với thị trường châu Âu, Campuchia được miễn thuế xuất khẩu do được xếp vào nhóm các quốc gia kém phát triển. Điều kiện này đã tiết kiệm cho các DN xuất khẩu gạo Campuchia khoảng 195 USD mỗi tấn gạo. Cho nên không chỉ DN Việt Nam mà các nước xuất khẩu gạo khác cũng khó cạnh tranh lại Campuchia tại thị trường cao cấp này.
Và với lượng xuất khẩu gạo tăng lên, nước này đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á. Những động thái gần đây cho thấy Campuchia sẽ tham gia mạnh mẽ hơn theo hình thức cung cấp gạo theo cấp chính phủ, cạnh tranh với các hợp đồng tập trung của Việt Nam.
Cụ thể, nước này đang chuẩn bị chiến lược xuất khẩu gạo nhắm đến các thị trường Trung Quốc, Philippines và Indonesia.Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Campuchia cho phép DN Trung Quốc có một số điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu gạo từ Campuchia. Campuchia cũng tiếp xúc với Philippines tìm giải pháp xuất khẩu một khối lượng gạo lớn sang đây với ít nhất 100.000 tấn gạo/năm. Indonesia cũng xúc tiến mua gạo khối lượng lớn của Campuchia. Chưa hết, hồi đầu tháng 7-2013, Campuchia ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Brunei bán 3.000 tấn gạo thơm/năm.
“Điều đáng nói nữa là giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Campuchia có thời điểm đạt 480 USD/tấn, cao hơn 75 USD/tấn so với giá gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam. Đó là nhờ chất lượng với tỉ lệ hạt gạo đồng nhất, loại nào ra loại đó, không phải như Việt Nam một bao gạo 5% tấm nhưng trộn đủ loại trong đó” –GS Võ Tòng Xuân nói thêm.
Cái còn thiếu là thương hiệu
Cũng theo ông Trí, điều cần nhất để tăng năng lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam xuất khẩu lúc này chính là thương hiệu. Muốn làm được điều đó phải có giống lúa quốc gia chất lượng, có thể lấy giống lúa đặc sản hoặc có tiếng ở địa phương như ST, Nàng Thơm Chợ Đào, Tài Nguyên… để phát triển lên; dẹp nạn gạo trộn ở khâu thương lái, tạo chất lượng gạo đồng nhất.
GS Võ Tòng Xuân cho biết thêm trước đây gạo “chảy” từ Campuchia về miền Tây để chế biến và xuất khẩu ra thế giới nhưng hiện đã đi theo chiều ngược lại. Mỗi vụ thu hoạch, hàng trăm ngàn tấn gạo “chảy” qua biên giới vào Campuchia. Không khéo Việt Nam lại thành nước cung cấp gạo nguyên liệu cho Campuchia và các nước đối tác đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ chế biến xuất khẩu. Theo thông tin từ Vinafood 2 thì Cofco, hãng kinh doanh lớn về lương thực và dầu ăn của Trung Quốc, đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo Campuchia. Amira, tập đoàn xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ, cũng đầu tư 40 triệu USD vào khu vực nông nghiệp ở Campuchia với dự kiến mở nhà máy xay xát lúa gạo, thuê 25.000 ha đất nông nghiệp.
“Mới đây, tại hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp quốc tế có tiếng ở Thái Lan, không hề có bóng dáng gian hàng gạo Việt Nam. Trong khi Campuchia có tới 20 DN gạo tham gia giới thiệu sản phẩm, thương hiệu riêng. Tại sao Campuchia làm được mà Việt Nam không làm được? Vẫn là câu trả lời cũ vì thiếu liên kết. DN Việt phải đồng lòng, phải nắm thị trường, khối lượng xuất, chất lượng, truy nguyên xuất xứ ra sao… DN chuẩn bị đầy các đủ thông tin đó rồi khoanh vùng, đầu tư vùng nguyên liệu theo kỹ thuật nông nghiệp cao. Từ đó, nông dân mới sản xuất đúng theo yêu cầu cho DN thu mua, chế biến, đăng ký thương hiệu và xuất khẩu” – GS Xuân nhấn mạnh.
Nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nước
Việc Campuchia kêu gọi đầu tư mở rộng, phát triển diện tích lúa gạo; Lào và Myanmar cũng tích cực tăng sản lượng lúa đồng nghĩa với việc lượng nước sông Mê Kông được khai thác rất lớn cho tưới tiêu đồng ruộng. Hậu quả lớn nhất có thể là hạ nguồn Việt Nam đối mặt với mối nguy thiếu nước trầm trọng cho sản xuất lúa. Một hệ thống thủy lợi bền vững là rất cần thiết cho vựa lúa của cả nước lúc này.
GSVÕ TÒNG XUÂN
|
Nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nước
Việc Campuchia kêu gọi đầu tư mở rộng, phát triển diện tích lúa gạo; Lào và Myanmar cũng tích cực tăng sản lượng lúa đồng nghĩa với việc lượng nước sông Mê Kông được khai thác rất lớn cho tưới tiêu đồng ruộng. Hậu quả lớn nhất có thể là hạ nguồn Việt Nam đối mặt với mối nguy thiếu nước trầm trọng cho sản xuất lúa. Một hệ thống thủy lợi bền vững là rất cần thiết cho vựa lúa của cả nước lúc này.
GSVÕ TÒNG XUÂN