Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Ranjit Rae khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Hội thảo Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Ấn Độ, tổ chức chiều qua (5/4) tại Hà Nội, đã khẳng định, triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước là rất lớn và sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Thưa Đại sứ, ngài đánh giá thế nào tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp (DN) hai nước Việt Nam và Ấn Độ?
Hai thập kỷ vừa qua, Ấn Độ đã triển khai chính sách hướng Đông để tăng cường hợp tác với các nước ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng, trong đó có Việt Nam. Trong mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ, hợp tác thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột chính. Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 2,75 tỷ USD. Còn về đầu tư, tính đến hết năm 2010, Ấn Độ có 50 dự án đầu tư ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 212 triệu USD. Bên cạnh đó, còn có nhiều DN Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba.
Tuy vậy, xét cả về mặt thương mại và đầu tư, kết quả này chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Tôi hy vọng, sau chuyến thăm Việt Nam của đoàn 62 DN Ấn Độ lần này, cũng như các chuyến thăm Ấn Độ của các DN Việt Nam, hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh.
Đâu là căn cứ khiến ông tin tưởng vào điều đó?
Hai tháng đầu năm, kim ngạch thương mại song phương đã đạt trên 640 triệu USD. Hai DN Ấn Độ cũng đã nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam. Đó là những tín hiệu tích cực.
Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ – ASEAN đã được ký kết vào năm 2009 tại Thái Lan và có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 1/6/2010. Tôi hy vọng, đó là cú hích đối với thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ trong thời gian tới. Trong giao thương, quan trọng là DN hai nước phải thường xuyên trao đổi thông tin, gặp gỡ, giao lưu. Tôi vui mừng nhận thấy, thời gian gần đây, DN giữa hai nước đã thường xuyên có những cuộc trao đổi. Đầu tháng 3, hơn 30 DN Việt Nam đã sang thăm Ấn Độ. Và giờ là DN Ấn Độ sang Việt Nam.
Bên cạnh hiệp định về tự do thương mại hàng hóa, tôi hy vọng, các hiệp định về đầu tư, dịch vụ sẽ sớm được hoàn tất trong thời gian tới. Nếu được ký kết, các hiệp định này sẽ là cơ chế hữu hiệu để tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, để thúc đẩy đầu tư, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định dành một khoản tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư tại Việt Nam. Đây sẽ là động lực rất lớn cho các DN muốn triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng.
Chắc chắn sẽ có nhiều DN quan tâm khoản tín dụng này. Cụ thể là thế nào?
Khoản tín dụng này không chỉ đơn thuần dành cho việc xúc tiến các dự án đầu tư, mà cả xúc tiến xuất khẩu máy móc, thiết bị của Ấn Độ vào Việt Nam. Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ không chỉ cho chủ đầu tư Ấn Độ vay tiền để đầu tư tại Việt Nam, mà còn cho cả DN Việt Nam vay để nhập khẩu thiết bị. Các dự án được ưu tiên là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, như đường sá, điện, dầu khí…, lãi suất ưu đãi và thời hạn vay là 7-15 năm. Các thông tin chi tiết về khoản tín dụng này, DN có thể tìm hiểu trên website của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Tôi hy vọng, với khoản tín dụng dụng trên, các dự án đang được triển khai tại Việt Nam sẽ được đẩy nhanh hơn. Các DN Ấn Độ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Và chúng tôi cũng rất khuyến khích DN Việt Nam đầu tư sang Ấn Độ.
Còn về chuyện mở đường bay trực tiếp Ấn Độ – Việt Nam? Đây là thông tin rất thú vị mà Đại sứ đã từng nhắc tới…
Đây là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Việc chưa có đường bay thẳng giữa hai nước là một trở ngại lớn. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chức năng, còn các hãng hàng không cũng đang khảo sát thị trường, xem xét tính khả thi để có thể mở đường bay thẳng Việt Nam – Ấn Độ. Tuy vậy, để làm được điều này, hai nước phải sửa đổi thỏa thuận về hàng không dân dụng đã ký từ năm 1992 để phù hợp với tình hình thực tế. Đường bay thẳng được thiết lập sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, đầu tư, đặc biệt là sẽ thúc đẩy du lịch giữa hai nước