Nếu các doanh nghiệp Việt không sớm có các bước đi bài bản, chiến lược thì có thể trở thành người thua cuộc ngay chính trên “sân nhà”.
Các mặt hàng Thái Lan có mặt ở thị trường VN hiện nay hầu hết là hàng gia dụng như: gạo, quần áo, giày dép, bánh kẹo, mỹ phẩm, keo dán, đồ nhựa gia dụng… Đây là những mặt hàng tối cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
Cơ hội lớn cho hàng Việt
Khảo sát trên một số tuyến phố của Hà Nội như: Giảng Võ, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Thi Sách, Nguyễn Công Trứ… cho thấy, các cửa hàng bán đồ Thái Lan có quy mô tuy không lớn nhưng lượng hàng hóa mua bán khá dồi dào và đa dạng về chủng loại. Giá cả những mặt hàng này thường cao hơn khoảng 30-40% so với hàng nhập khẩu Trung Quốc và hàng sản xuất trong nước nhưng vẫn “được lòng” khách hàng. Lý do mà mặt hàng này được nhiều người chọn mua vì giá không quá đắt, chất lượng đảm bảo mà lại có nhiều mặt hàng để chọn.
Có thể thấy, chính các DN VN đang bỏ lỡ nhiều cơ hội ngay trên thị trường nội địa. Trong khi các DN VN mải miết tìm các thị trường mới, thị trường ngách… thì người Thái đã chớp cơ hôi để xâm nhập thị trường VN. Trong khi đó, cũng những mặt hàng này các DN VN hoàn toàn có thể sản xuất được với chất lượng, mẫu mã, giá cả tốt, đặc biệt là có xuất xứ rất rõ ràng, rành mạch. Vì vậy, nếu các DN VN quan tâm hơn nữa tới các thị trường nội địa thì không có lý do gì để người tiêu dùng có thể “quay lưng” với hàng Việt.
Chỉ điểm qua cũng có thể thấy cũng với những mặt hàng đó, có rất nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thị trường thế giới. Chẳng hạn với mặt hàng quần áo, các thương hiệu rất nổi tiếng của VN như: May 10, may Hưng Yên, may Nhà Bè, Việt Tiến… đều có chất lượng rất tốt và giá cả hợp lý cho mọi đối tượng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm với các sản phẩm này. Hay như ở mặt hàng nhựa gia dụng, chúng ta có nhựa Song Long, Long Thanh Plastic, nhựa Tân Phú, nhựa Bình Minh, nhựa Đồng Tiến… ở mặt hàng giày dép có Vinagiay, Thượng Đình và Biti’s…
Bà Vũ Thị Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Hàng VN chất lượng cao thừa nhận, hiện nay mặc dù 90-95% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nhưng đa số là hàng Việt gia công. Những thương hiệu Việt cứ mất dần dần, đặc biệt các DNNVV có nguy cơ “bật gốc” ra khỏi siêu thị. Trong các siêu thị hiện nay, hai lực lượng hàng hóa mạnh nhất là hàng của các Cty đa quốc gia và hàng nhãn riêng của siêu thị. DNNVV dù đã có thương hiệu nhưng muốn bán hàng bằng thương hiệu của mình tại siêu thị cũng gặp không ít khó khăn bởi không cạnh tranh nổi với hai đối tượng trên.
Bà Hạnh cho rằng, vấn đề lớn mà DN Việt còn yếu là đổi mới về khoa học công nghệ, trong sản xuất và trong quản trị. Vấn đề này đã nói đến nhiều nhưng thực hiện không phải dễ bởi nhiều DN gặp khó khăn trong việc kết nối với các đối tác hỗ trợ về đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, đây là yếu tố quyết định sống còn và khả năng phát triển bền vững trong tương lai của DN nên phải cố gắng làm cho được. “Sắp tới khi hàng hóa các nước vào nước ta với thuế suất hầu như bằng 0 thì cuộc cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ càng khốc liệt hơn; không có cách nào khác là nâng cao sức cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm” – bà Hạnh khuyến cáo.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng giám đốc TCty May 10 cho rằng chiếm lĩnh thị trường nội địa tuy khó nhưng, nếu DN VN không đi bằng đôi chân của mình thì người khác sẽ “xơi” mất. Theo bà Huyền, để làm chủ được trên sân nhà thì trước hết DN phải có tiềm lực. Vấn đề ở đây là chiến lược. DN nào ý thức được phải bền vững, lâu dài bằng cái tên của mình thì câu chuyện đầu tư và phát triển sẽ khác. “Tất nhiên, để làm được, Nhà nước cũng phải có những chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như giảm thuế đất, hỗ trợ bao nhiêu phần trăm xã hội cho người lao động” – bà Huyền nói.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, chiếm lĩnh thị trường nội địa là yếu tố cần của DN để tạo việc làm cho người dân, tạo sức mạnh cho DN để có sức “chiến đấu” trên thị trường quốc tế. Để duy trì lợi thế cạnh tranh cho các DN trong nước ngay trên sân nhà, phải phụ thuộc nhiều vào sự tiếp sức của Chính phủ bằng chính sách thuế, tín dụng, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, giá điện, nước, giao thông…
Khách quan mà nói, chất lượng của hàng Việt đang ngày một cao và khẳng định được thương hiệu dần chiếm ưu thế trong lòng người Việt. Chẳng hạn, lĩnh vực giầy dép hiện nay hàng VN đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội da giày đã cho thấy, trong 1.000 khách hàng được hỏi, có đến 66% đã lựa chọn mua các sản phẩm giày dép của DN trong nước, chỉ 34% trong số này chọn mua hàng nhập khẩu.
Điều này một lần nữa khẳng định, người tiêu dùng chưa và sẽ không bao giờ quay lưng với hàng nội. Điều quan trọng là các DN VN sẽ tận dụng cơ hội đó như thế nào thông qua chiến lược phát triển thị trường, đặc biệt là chất lượng, giá cả và mẫu mã sản phẩm. Nếu tận dụng được các cơ hội đó, chắc chắn các DN VN sẽ thành công ở thị trường nội địa.
Hiện tượng hàng Thái đang lấn sân trên thị trường VN tuy chưa phải là nhiều và chưa thực sự “đe dọa” các mặt hàng VN trên thị trường nội địa. Nhưng với cách tiếp cận cũng như diện “phủ sóng” hiện nay của hàng VN trên thị trường nội địa như nhận định của Bộ Công Thương là còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc. Nhất là tại các địa bàn nông thôn, khu vực chiếm tới 70% doanh số hàng tiêu dùng nhưng chưa được khai thác nhiều. Nếu các DN Việt không sớm có các bước đi bài bản, chiến lược thì có thể trở thành người thua cuộc ngay chính trên “sân nhà”.