Tin tức

Doanh nghiệp Việt “săn” cơ hội đầu tư ra nước ngoài

Chưa có nhiều “điểm nhấn” như năm 2009, nhưng từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn “soi” khá kỹ “động tĩnh” thị trường nước ngoài, để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Mối quan tâm này càng được thúc đẩy khi nhà máy sản xuất sữa nguyên liệu Miraka tại New Zealand trị giá 90 triệu USD mà Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chiếm 19,3% cổ phần bắt đầu hoạt động.

 

Vừa có chuyến khảo sát thị trường Brazil và Cuba trong tháng 7, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group cho biết, những thị trường này có nhiều cơ hội để tiếp cận dự án bất động sản du lịch. Ngoài việc sở hữu những trung tâm thương mại có vị trí đắc địa trong nước, doanh nghiệp này cũng đang tiến hành xây dựng một siêu thị tại Yangon (Myanmar) và trung tâm thương mại phân phối hàng hóa Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản).

 

Với tham vọng tạo ra một FPT phát triển toàn diện ở một “thị trường thứ hai”, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Đình Anh cho hay, FPT đang tiến tới việc “xuất khẩu mô hình kinh doanh và quản trị” đến các quốc gia ở châu Phi, Cuba và Bắc Triều Tiên. Ý định của FPT ở các thị trường này là “quay lại mô hình thị  trường Việt Nam cách đây 10 – 15 năm với những kinh nghiệm và tiền bạc hiện có để phát triển”. 

 

Nhận xét về tình hình đầu tư ra nước ngoài trong 8 tháng qua, ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, dù kinh tế khó khăn, nhưng vẫn có một số doanh nghiệp Việt đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội ở bên ngoài. Cụ thể là “săn” bất động sản ở Mỹ; khai khoáng, chế biến lâm sản ở Lào hay trung tâm phân phối tại Campuchia. Mới đây, ITPC cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Lào để xúc tiến việc thành lập khu thương mại chuyên bán hàng Việt Nam ở Thủ đô Vientiane. Động thái tương tự cũng được diễn ra ở thị trường Myanmar.

 

Tuy nhiên, ông Từ Minh Thiện cũng cho rằng, chưa có dấu ấn nổi bật của doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư sang thị trường thứ hai. Nguyên nhân chính được cho là doanh nghiệp phải thẩm định, tính toán kỹ những khó khăn khi tiếp cận thị trường bên ngoài.

 

Đơn cử, việc đẩy nhanh tiến độ của Dự án Bệnh viện liên doanh Chợ Rẫy – Phnom Pênh 42 triệu USD tại Phnom Penh hay Dự án trồng mía – sản xuất đường – cồn và điện tại tỉnh Kratie (Campuchia). Ông Don Lâm, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, VinaCapital đã cùng hai đối tác Việt Nam đầu tư 75 triệu USD cho dự án này. Dự kiến, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từ quý I/2012 với công suất 3.500 tấn/ngày, các sản phẩm của nhà máy sẽ được tiêu thụ tại Campuchia và xuất khẩu sang thị trường EU.

 

Không suôn sẻ như VinaCapital, thương vụ mua lại khách sạn 252 phòng tại San Fransico (Mỹ) mà Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) theo đuổi mấy năm qua đã không đạt được thỏa thuận. Do việc công bố thông tin mua lại khách sạn quá sớm đã khiến đối tác “làm giá”. Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist cho biết thêm, sẽ tiếp tục ngắm nghía các dự án tại Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản và trong tuần này sẽ khảo sát thị trường Lào. Song, ông Việt không tiết lộ cụ thể kế hoạch đầu tư tại đây.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status