Hội chợ Triển lãm Thương mại – Dịch vụ Việt Nam – Campuchia 2011 (Ho Chi Minh City Expo 2011) là hoạt động xúc tiến thương mại rầm rộ nhất của doanh nghiệp TP.HCM trong năm 2011. Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC, đơn vị tổ chức) về tiềm năng của thị trường Campuchia với DN Việt Nam.
Ông nhận thấy quy mô của hội chợ lần này thế nào?
Hội chợ đã chính thức diễn ra từ ngày 6 – 10/4 tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa sang tiêu thụ tại thị trường này. Hội chợ lần này có tất cả 250 gian hàng của 150 công ty, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia và doanh nghiệp của người Việt sinh sống tại đây. Bên cạnh doanh nghiệp sản xuất còn có sự tham gia của các công ty dịch vụ (quảng cáo). Tuy nhiên, nếu xét về số lượng thì không nhiều như năm trước. Nguyên nhân là do cùng thời điểm với một số sự kiện trong nước như: Vietnam Expo (tổ chức tại Hà Nội) và lễ hội du lịch tại TP.HCM nên các công ty du lịch không tham gia đầy đủ. Chương trình cũng sẽ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát một số chợ tại Campuchia và một Trung tâm thương mại (TTTM) do Việt kiều đầu tư. Dự kiến, cuối năm nay sẽ có thêm hai TTTM của doanh nghiệp Việt Nam đưa vào hoạt động tại Thủ đô Phnôm Pênh (của Satra và Saigon Co-op). Một khi những công trình này hoàn tất sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho hàng Việt sang thị trường Campuchia trong việc cạnh tranh trực tiếp với hàng Thái Lan và Trung Quốc ở phân khúc kênh phân phối hiện đại. Cùng với những hoạt động trên, đoàn sẽ tổ chức thăm và tặng quà cho đồng bào nghèo Việt tại Campuchia.
Ông dự đoán sức mua tại hội chợ lần này ra sao?
Dù gặp phải một số hạn chế nhưng Hội chợ lại diễn ra gần với Tết cổ truyền Chon-Chơ-nam-Thơ-mây của Campuchia. Đây là thời điểm mua sắm và khá thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức bán hàng. Lượng hàng hóa sang thị trường Campuchia ngày một tăng. Theo đó, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch giao thương giữa hai quốc gia đã đạt 1,7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, dù đây là giai đoạn khó khăn. Thương mại hai chiều tăng một phần là do hàng hóa khá đa dạng, hệ thống kho ngoại quan và các chợ biên giới đã phát huy tác dụng. Có một điều đáng chú ý là trong năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhập một số hàng nông sản như: gạo, hạt điều…Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để chế biến thành phẩm xuất đi các quốc gia khác.
Đâu sẽ là nhóm mặt hàng nào chủ lực?
Các mặt hàng, cũng như số lượng hàng hóa đều tùy thuộc vào mỗi địa bàn, vào sức mua và thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn, nhóm vật tư nông nghiệp không thể tiêu thụ tốt tại Phnôm Pênh, trong khi tại tỉnh Batambang, Kampong Cham lại rất phù hợp. Riêng ở thủ đô Phnôm Pênh, mặt hàng “bán chạy” nhất là thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và điện tử. Dù đánh giá cao tiềm năng thị trường Campuchia nhưng một số doanh nghiệp cho rằng, công cụ thanh toán, dịch vụ chuyển tiền… vẫn còn hạn chế. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại hiện nay, bởi tại Campuchia, đồng USD được sử dụng rộng rãi. Trong khi ở góc độ doanh nghiệp cũng được hỗ trợ khá nhiều. Hiện, một số ngân hàng lớn của Việt Nam như: Sacombank, BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có mặt tại Phnôm Pênh. Mới đây nhất, Sacombank cũng dành 1.200 tỷ đồng để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Campuchia tiếp cận. Đó là chưa nói đến những dịch vụ chuyển tiền nhanh cũng được áp dụng phổ biến. Theo tôi, cái khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường này chính là lựa chọn đối tác. Một số cảnh báo, hiện có hiện tượng “đối tác” tại Campuchia đưa ra “dự án ma” thu hút đầu tư. Nếu không cẩn thận, rất dễ bị lừa.
Trong đối trọng giữa hàng Thái Lan và hàng Trung Quốc, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá như thế nào, thưa ông?
Hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam chiếm đa số tại thị trường Campuchia, song, lại chia theo từng phân khúc. Cụ thể, hàng Thái Lan và Trung Quốc được trưng bày trong các TTTM cao cấp, riêng hàng Việt Nam lại bày bán tại các chợ truyền thống. Đến nay, đã có 155 doanh nghiệp Việt đang làm ăn, kinh doanh tại Campuchia. Theo thông tin từ Phòng Thương mại – Công nghiệp Campuchia cho biết, hàng Việt Nam đang xếp sau Thái Lan.