Xuất khẩu da giày sẽ được hưởng lợi, nhưng thị trường nội địa sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – baodautu.vn.
Ngành da giày Việt Nam hiện phải nhập khẩu nguyên liệu da chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Đây đều là những quốc gia không tham gia TPP. Song để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% từ TPP, thì yêu cầu đặt ra là phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên TPP, hoặc đòi hỏi tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa hóa phải đạt tối thiểu 40%.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM
Ý thức được điều đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như Giày Thái Bình, Đông Hưng, An Lạc, Vinh Thông… đã chuẩn bị từ trước.
Nhưng xét cho cùng, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp làm hàng FOB có lợi thế từ TPP, còn đa số làm gia công, không được lợi gì nhiều.
Trong lĩnh vực da giày, có thể doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất từ TPP.
Doanh nghiệp ngành da giày sẽ phải đối mặt với những thách thức nào từ TPP?
Thách thức lớn nhất với ngành da giày chính ngay tại thị trường nội địa.
Sau khi Việt Nam gia nhập TPP, thuế suất thuế nhập khẩu hàng da giày giảm còn 0%, thì chỉ cần 5 nước Nhật Bản, Mỹ, Mexico, Brazil và New Zealand đưa hàng da giày có thương hiệu của họ sang hai thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, nơi mà người dân có tiền, lại thích dùng hàng hiệu ngoại, thì doanh nghiệp trong nước khó có cửa cạnh tranh.
Chưa kể, có khả năng các doanh nghiệp FDI sản xuất da giày sẽ dành lại một lượng sản phẩm nhất định để bán ở thị trường nội địa. Đó sẽ là những áp lực “khủng” đối với doanh nghiệp sản xuất da giày cung cấp cho thị trường nội địa.
Hiện trong ngành da giày có khoảng bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, bao nhiêu phần trăm làm hàng tiêu thụ nội địa, thưa ông?
Hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp da giày, trong đó có 30% doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu (song lại có đến 70% trong số này làm gia công dưới nhiều hình thức khác nhau). Chỉ có chưa đến 10 doanh nghiệp làm hàng theo dạng FOB. Vậy nên, thách thức với xuất khẩu cũng không phải không có.
Có nghĩa là, doanh nghiệp da giày lo lắng nhiều hơn là hồ hởi mong đợi TPP?
Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu không quan tâm nhiều đến TPP, vì họ chủ yếu làm gia công, nên có thể chỉ có thêm chút lợi nhuận từ việc đơn giá gia công được tăng thêm nhờ TPP mà thôi.
Ở góc độ lãnh đạo Hội Da giày TP.HCM, ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp da giày tận dụng được cơ hội từ TPP và hạn chế những thách thức
nêu trên?
TPP hiện vẫn đang trong vòng đàm phán. Hội và các doanh nghiệp da giày TP.HCM đang chờ định hướng của Bộ Công thương. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chủ quản, các bộ, viện nghiên cứu kinh tế nên định hướng cho ngành, để các doanh nghiệp đi đúng hướng. Nếu không, mỗi doanh nghiệp tự định hướng và hành động theo cách riêng của mình, thì tình hình sẽ rối hơn.
Đối với các doanh nghiệp làm hàng tiêu thụ nội địa thì nên chuẩn bị bằng cách làm tốt thương hiệu, không đợi khi TPP ký kết mới làm, thì trở tay không kịp.
Theo ông, đâu là những động thái mới nhất về đầu tư vào ngành da giày có liên quan đến TPP?
Hiệp hội Da giày Thái Lan đã vừa đưa 30 doanh nghiệp sang kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan cũng sang làm việc với chúng tôi, với ý định hợp tác để nhờ giới thiệu mua bán sản phẩm với doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp Đài Loan đang làm gia công, nhưng nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam, nên họ cũng đã có ý định đầu tư để phát triển ở thị trường Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Da giày Hồng Kông cũng đã đến TP.HCM trao đổi với Hội Da giày Thành phố và nhờ chúng tôi đưa họ đi thăm 8 doanh nghiệp da giày. Năm 2014, họ sẽ mời đại diện Hội Da giày Thành phố sang Hồng Kông tham quan, tìm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.