Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất với Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1 (QL1) không thể kêu gọi đầu tư tư nhân. Trong khi chờ đợi chủ trương này, bộ sẽ chỉ định các nhà đầu tư có năng lực tài chính ứng tiền để thi công ngay những đoạn cấp bách.
Quốc lộ 1A đoạn qua Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: TL
Theo bộ Giao thông vận tải, việc mở rộng nâng cấp QL1 gần 1.900km bao gồm 37 dự án thành phần (tương đương 37 đoạn) thì có 20 dự án cơ bản đã thu xếp xong nguồn vốn hoặc đang đàm phán ký hợp đồng.
Trong đó 17 dự án được đầu tư theo hình thức BOT (với chiều dài 562km, có tổng mức đầu tư hơn 42.500 tỉ đồng) thì đã có 5/17 dự án BOT đã được khởi công, 12/17 dự án BOT còn lại cũng đang đàm phán ký hợp đồng để khởi công trong quý 2 năm nay.
Cùng với ba dự án khác đã thu xếp được vốn từ nguồn ứng ngân sách nhà nước (3.387 tỉ đồng) và vốn vay ngân hàng Phát triển châu Á – ADB (4.200 tỉ đồng).
Như vậy, vẫn còn lại 17 dự án đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn. Đáng nói là, 17 dự án này (tổng chiều dài 678km với tổng mức hơn 47.800 tỉ đồng) đã từng được lên kế hoạch khá chi tiết về nguồn vốn, theo đó dự tính dùng nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Cụ thể, theo bộ trưởng Đinh La Thăng, bộ Giao thông vận tải đã xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư mở rộng QL1 và QL14 đoạn qua Tây Nguyên theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như nghị quyết của Quốc hội cuối năm 2012 và các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu đã cơ bản hoàn thành xong công tác thẩm định, dự thảo quyết định phê duyệt. Sau khi đề án phát hành trái phiếu được phê duyệt sẽ hoàn thiện các thủ tục ngay để triển khai.
Tuy nhiên, quan điểm của bộ Tài chính và bộ Kế hoạch và đầu tư thì cho rằng: “Không thể thực hiện theo hình thức trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh vì các dự án mở rộng QL1 còn lại (17 dự án) sử dụng nguồn vốn này không có khả năng hoàn vốn thông qua thu phí, hơn nữa, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các doanh nghiệp phát hành khó khả thi do chỉ số tín nhiệm thấp và lãi suất phát hành cao”.
Chính vì vậy, mà các bộ thống nhất để bộ Giao thông vận tải kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất với Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ thay cho phương án trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành.
Đặc biệt, bộ Giao thông vận tải kiến nghị, trong khi chờ chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ Giao thông vận tải chỉ định một số doanh nghiệp có năng lực kỹ thuật và tài chính ứng vốn để đầu tư ngay một số đoạn cấp bách, trong đó, phần vốn ứng trước của doanh nghiệp được hưởng lãi suất bằng lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ gần nhất.