Tin tức

Định hướng lớn trong thu hút FDI

Chính sách mới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần tập trung vào 4 định hướng lớn: chất lượng và hiệu quả, phát triển bền vững trên cơ sở xây dựng nền kinh tế ít cacbon, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao.

Đó là đề xuất của GS – TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tại Hội thảo Đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài và các biện pháp thúc đẩy giải ngân vừa diễn ra tại TP.HCM.

 

Theo GS – TSKH Nguyễn Mại, vốn FDI giải ngân trong 5 năm gần đây vẫn duy trì ở mức ổn định là khoảng 10 tỷ USD/năm, ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn của năm 2011. Điều này cho thấy, môi trường và những chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Tuy nhiên, để tránh nguy cơ tụt hậu khi thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cam kết mậu dịch tự do với ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản từ năm 2012 và tránh trở thành “bãi rác” công nghệ của thế giới, Việt Nam phải chuyển trọng tâm thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước châu Á sang các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) của Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

 

“FDI trong giai đoạn mới phải ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tạo ra đột phá về công nghệ và sức cạnh tranh của đất nước. Nếu ứng dụng công nghệ mới thì sản xuất thép có thể tiết kiệm 40% năng lượng và giảm phát thải 50% khí cacbon. Những con số tương ứng với xi măng là 35% và 25%, với giấy in và bột giấy là 80% và 60%”, GS – TSKH Nguyễn Mại khẳng định.

 

Bên cạnh đó, cần hạn chế thu hút các dự án FDI thâm dụng nhiều lao động như gia công dệt may, da giày…nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển các ngành này. Đối với dự án FDI lớn, cần lao động kỹ thuật cao, nên có cam kết với nhà đầu tư về số lượng và chất lượng lao động, tránh trường hợp nhà đầu tư phải tự bươn chải như trường hợp của Intel vừa qua.

 

Đồng ý kiến với GS – TSKH Nguyễn Mại, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế, như chưa có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, công nghệ lạc hậu, đình công.

 

“Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng nhóm soạn thảo Đề án Đánh giá thực trạng FDI và đề ra định hướng chính sách, giải pháp để nâng cấp FDI trong giai đoạn 2011 – 2020, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2012”, ông Nguyễn Nội nói và cho biết thêm, Đề án sẽ yêu cầu các địa phương loại bỏ các dự án tiềm ẩn nguy cơ  ô nhiễm, quy mô vốn thấp nhưng sử dụng diện tích đất lớn, kinh doanh không hiệu quả; khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên và có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng; tập trung vào dự án công nghệ cao, sạch, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu.

 

Ông Lê Tuyển Cử, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) góp ý, chính sách ưu đãi đầu tư cần đáp ứng yêu cầu thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới. Cụ thể, về chính sách ưu đãi thuế, hiện chỉ có một số lĩnh vực được ưu đãi ở mức cao nhất (10% trong thời hạn 15 năm), cần điều chỉnh theo định hướng thu hút đầu tư giai đoạn mới, gắn với  ngành nghề, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Ngoài ra, cần ban hành nghị định riêng về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, thống nhất đối tượng được ưu đãi là “dự án đầu tư mới” theo Luật Đầu tư, thay vì “cơ sở mới thành lập từ dự án” theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status