Những năm trước đây, ĐBSCL được xem là vùng “trũng” về giao thông so với cả nước. Giờ đây, hệ thống giao thông trong vùng đã thực sự khởi sắc, phục vụ đắc lực cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và du lịch. Bức tranh giao thông mới đang ngày càng hoàn thiện, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, kết nối với các khu vực kinh tế lớn trong khu vực và cả nước.
Những công trình tạo đà
Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá của vùng để khơi dậy tiềm năng của ĐBSCL. 10 năm qua, theo Quyết định 344 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông toàn ngành, kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL đã có hướng phát triển rõ nét. Các trục dọc như QL1, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, các cầu trên tuyến QL1, cầu qua sông lớn như cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông… giữ vị trí “xương sống” trong lưu thông. Không chỉ có trục dọc, mà những trục ngang cũng dần hoàn thiện cho hàng hóa lưu thông khắp vùng. Hàng loạt tuyến ngang như QL 30, 53, 54, 57, 60, 61, 63, 80… cũng đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Một số tuyến đường mới như Nam Sông Hậu (Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu), Quản Lộ – Phụng Hiệp (Hậu Giang – Cà Mau)… với quy mô 2 đến 4 làn xe cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng đem lại những hiệu quả thiết thực.
Về đường thủy nội địa, với việc triển khai hiệu quả dự án WB 5, ngành giao thông đã hoàn thành nâng cấp. Đó là tuyến TPHCM – Kiên Lương và tuyến TPHCM – Cà Mau; nâng cấp tuyến vận tải thủy từ TPHCM qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đến Hà Tiên, TPHCM – kênh Chợ Gạo – sông Tiền – Chợ Lách – Măng Thít – Đại Ngãi – Bạc Liêu. Về hàng không: cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đi vào hoạt động, đáp ứng phần lớn nhu cầu về giao thông; hoàn thành việc nâng cấp một số hạng mục các cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau; quy hoạch sân bay taxi tại An Giang. Bên cạnh đó, các cảng sông, cảng biển, luồng tàu hàng hải cũng được chú trọng đầu tư và nâng cấp. Đến nay, toàn vùng có hơn 10 cảng sông hoàn chỉnh, có thể tiếp nhận tàu 5.000 tấn, xây dựng cảng biển An Thới, Cái Cui, luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.
Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT được đầu tư xây dựng ở vùng ĐBSCL trong giai đoạn này đã hình thành nên mạng lưới đường bộ theo dạng ô bàn cờ bao gồm các trục dọc, trục ngang và hệ thống đường vành đai liên kết với nhau một cách hợp lý. Hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT này đã góp phần rất quan trọng vào việc từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Để trở thành đòn bẩy
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tuyến đường quan trọng, “lối ra” chủ yếu của ĐBSCL là QL1A vẫn đang chiếm thế độc đạo từ miền Đông đến miền Tây, gây không ít trở ngại trong vấn đề lưu thông, vận chuyển vào những giờ cao điểm. Hơn nữa, nhiều phương tiện cùng đổ về trên một con đường nhất định làm tăng sức tải đường. Hiện đã có con đường cao tốc TPHCM – Trung Lương chia sẻ bớt gánh nặng vận tải cho QL1A, thế nhưng, từ đoạn từ Trung Lương đổ về các tỉnh ĐBSCL không thể đi qua một con đường nào khác ngoài tuyến QL này. Do vậy, yêu cầu sắp tới cần triển khai xây dựng nhanh tuyến đường Đồng Tháp Mười xuyên qua Tứ giác Long Xuyên để giải quyết vấn đề vận chuyển nông sản, tránh tình trạng nông sản phải đi đường vòng từ Long An đến An Giang sơ chế rồi mới ngược về TPHCM.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2020 sẽ hoàn thành 5 tuyến trục dọc chính nối ĐBSCL với Đông Nam bộ, gồm: Quốc lộ 1A, tuyến N1, N2, tuyến ven biển, hoàn thành tuyến đường cao tốc TPHCM – Cần Thơ; các trục dọc tiểu vùng; xây dựng các cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Năm Căn; cải tạo, làm mới hệ thống đường trên đảo Phú Quốc. Toàn bộ hệ thống quốc lộ đạt quy mô 2 làn xe trở lên, mặt đường láng nhựa kiên cố phù hợp với quy cách chống lũ; hoàn thành tuyến đường hành lang ven biển phía Nam từ cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang) đến điểm giao với QL1A (Cà Mau), thông với Campuchia và Thái Lan.