Trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ (CG) 2010, sáng ngày 02/12/2010 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Cạnh tranh và Tăng trưởng bền vững”. Diễn đàn lần này có sự hiện diện của ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Đại sứ các nước tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan Chính phủ với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tuy đã phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao nhưng còn chưa vững chắc, tiềm ẩn những rủi ro cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2010 tập trung thảo luận một số chủ đề chính về lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, sản xuất, phân phối và một số lĩnh vực khác.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu khai mạc Diễn đàn, ghi nhận sự phục hồi khá nhanh của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,7% trong năm 2010 và tiếp tục phát triển với tốc độ cao trong những năm tới. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam mong muốn có những cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa Chính phủ với Cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra nhận định trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thử thách kinh tế cũng như khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2009 đã có nhiều lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Đây chính là thời điểm cần tái tập trung vào những thách thức cơ cấu lâu dài, nguồn gốc của sự kém hiệu quả và tính cạnh tranh thấp của nền kinh tế. Bà cho rằng Việt Nam vẫn là một nơi hấp dẫn để đầu tư, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cho các nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế cho cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân, từ đó tiếp tục tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và góp phần vào sự tăng trưởng của Việt Nam.
Thay mặt EuroCham và Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, ông Alain Cany chia sẻ với Diễn đàn, năm 2010 là một năm đầy hứa hẹn với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi chính thức từ một nước có “thu nhập thấp” thành một nước có “thu nhập trung bình”. Việt Nam đã đạt được điều đó qua việc thúc đẩy các lợi thế kinh tế – chính trị, trong đó có chi phí nhân công tương đối thấp, nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu đãi về địa lý, sự ổn định về chính trị và sự hấp dẫn về một thị trường mới rộng lớn chưa được khai thác với tiềm năng nội địa lớn. Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài thống nhất cho rằng tiến trình phê duyệt cho đầu tư và thành lập các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khó khăn và tốn thời gian. Ông chia sẻ, với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, sự phức tạp trong các thủ tục hành chính và đôi khi việc thực hiện không nhất quán và thiếu phối hợp về luật và quy định giữa các cấp chính quyền có thể tạo ra các trở ngại trong việc điều hành một doanh nghiệp thành công tại Việt Nam.
Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam để đạt được sức cạnh tranh khu vực và hội nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cho rằng với hướng phát triển của Việt Nam thì các dự án kinh tế có sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật và tài chính của khu vực tư nhân nước ngoài sẽ là yếu tố chính để giúp Việt Nam theo kịp các yêu cầu lớn về cơ sở hạ tầng và năng lượng. Các dự án đối thoại công – tư (PPP) sẽ là nhân tố quan trọng chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam khi đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đại diện cho Euro Cham và cộng đồng doanh nghhiệp châu Âu, ông Alain Cany tỏ lòng mến mộ và vui mừng vì cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ Việt Nam trong việc giới thiệu các quy định mới để phát triển và cải tiến khung pháp lý trong các dự án và hợp đồng đối tác công tư.
Về phía Phòng Thương mại ustralia tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Brian O’Reilly cũng chia sẻ và gửi lời cảm ơn tới Bộ Kế hoạh và Đầu tư và các doanh nghiệp cùng các lãnh đạo Chính phủ đã có mặt tại Diễn đàn này để thảo luận, trao đổi về hoạt động và cạnh tranh bình đẳng, cải thiện tình hình kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Ông đã đề cập tới những lĩnh vực như: Giáo dục và Dạy nghề; Cơ sở hạ tầng; Các biện pháp hành chính và quản lý giá; Khai thác mỏ. Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và mức sống ngày càng được nâng cao. Để đẩy nhanh tốc độ, Phòng Thương mại Australia cùng các Hiệp hội Doanh nghiệp khác tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn những vấn đề đặt ra được nhanh chóng giải quyết. Cộng đồng doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, thông qua Phòng Thương mại Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tận dụng hết những tiềm năng kinh tế.
Kết thúc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, tất cả các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được các cơ quan và Chính phủ tiếp thu và phản hồi nhằm hoàn thiện thể chế cũng như thủ tục hành chính của Việt Nam. Cuối cùng, Bộ trưởng mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khu vực tư nhân nước ngoài, từ đó tạo ra những bước ngoặt kinh tế, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn./.