Tin tức

Diễn đàn Đầu tư quốc tế 2012: Một số vấn đề đặt ra

Diễn đàn Đầu tư quốc tế 2012 (World Investment Forum 2012, viết tắt là WIF 2012), diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 4 năm 2012 tại Doha – Qatar, là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong khuôn khổ hoạt động định kỳ lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD – XIII).

 

WIF 2012 với chủ đề: Đầu tư cho phát triển bền vững, đã hướng các thảo luận làm rõ các nội dung:

 

– Xác định các thách thức và cơ hội liên quan đến đầu tư phát sinh từ cơ cấu quản trị các nền kinh tế toàn cầu mới nổi;

 

– Tạo ra các cơ hội hợp tác và thảo luận các chính sách nhằm thúc đầy đầu tư bền vững;

 

– Thảo luận về các cách thức thay đổi đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ở giai đoạn hậu khủng hoảng với định hướng phát triển nền kinh tế, công nghệ ít các bon.  

 

Để làm rõ được các nội dung nêu trên, WIF 2012 đã tổ chức thực hiện với các phiên họp, các cuộc trao đổi sau:

 

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo hàng đầu về đầu tư: Lãnh đạo các nước cùng với các CEO của các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất hiện nay cùng chia sẻ các quan điểm về đầu tư bền vững

 

Hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng (nằm trong chương trình của kỳ họp UNCTAD  13): làm thế nào để các chính sách phát triển doanh nghiệp và đầu tư có thể giúp nâng cao năng suất và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu

 

Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp cao: các vấn đề trọng điểm liên quan tới xu hướng FDI và các chính sách, chiến lược xúc tiến đầu tư mới cần thiết cho việc nắm bắt các loại hình đầu tư mới

 

Hội nghị Hiệp định đầu tư quốc tế 2012: làm thế nào để bộ máy quản lý đầu tư quốc tế làm việc tốt hơn với mục tiêu phát triển bền vững

 

Đối thoại về Quỹ đầu tư quốc gia (SWF): các cách thức định hướng đầu tư cho Quỹ SWF vào các ngành trọng điểm và các giải pháp về chính sách

 

Hội thảo cấp cao về nghiệp vụ kế toán và báo cáo: các chính sách và công cụ nhằm giải quyết các thách thức về báo cáo và nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp hiện nay

 

Giải thưởng về xúc tiến đầu tư của UNCTAD sẽ vinh danh các cơ quan xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất

 

Hội thảo tối ưu hóa các thủ tục đầu tư: các dịch vụ và công cụ hỗ trợ online để thu hút nhà đầu tư

 

Với các nội dung và chương trình phong phú, sát thực như trên, chúng tôi không tham vọng trong một bài báo ngắn mang tính thông tin – cập nhật tình hình hoạt động liên quan đến FDI toàn cầu, có thể nêu được hết các kết quả mà WIF 2012 đã đạt được cũng như những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong thu hút và sử dụng nguồn vốn này mà chỉ xin nếu hai ý sau liên quan đến cơ hội và thách thức:

 

1. Dòng vốn FDI toàn cầu theo đánh giá và dự báo của UNCTAD sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2012 và 2013

 

Theo báo cáo Đầu tư 2011 của UNCTAD, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) toàn cầu (Global inflow) năm 2011 tăng 5% so với năm 2010 và đạt mức 1,24 tỷ USD, cùng với mức tăng trưởng công nghiệp và thương mại toàn cầu đã trở lại mức trước khủng hoảng, tuy dòng vốn FDI toàn cầu năm 2010 đạt mức thấp hơn 15% mức trước khủng hoảng, và thấp hơn 37% so với mức cao nhất đạt được vào năm 1997 là 1,97 tỷ USD trong giai đoạn 2005 – 2010. Báo cáo đầu tư năm 2011 của UNCTAD cũng cho thấy dòng vốn FDI toàn cầu sẽ đạt mức 1,4 – 1,6 tỷ USD, là mức trước khủng hoảng vào năm 2011 và dự báo FDI toàn cầu sẽ đạt mức 1,7 tỷ USD vào năm 2012 và mức 1,9 tỷ USD vào năm 2013 – tương đương với mức cao nhất đã đạt được trong năm 2007.

 

Dòng vốn FDI toàn cầu (Global FDI Inflow) giai đoạn 2005 – 2010

 

Đơn vị: Tỷ USD

  

Các dự báo về dòng vốn FDI toàn cầu nêu trên cho thấy kết quả thu hút FDI vào Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010 đã thể hiện một phần xu hướng tăng giảm của đầu tư toàn cầu, cả mức vốn đăng ký và vốn thực hiện đều đạt điểm cao nhất trong cả giai đoạn 2005 – 2010 vào năm 2008 (73 tỷ USD vốn đăng ký và 11,9 tỷ USD vốn thực hiện), sau đó giảm dần đến năm 2010. Với mức dự báo FDI toàn cầu sẽ tăng trưởng trong các năm tới, tuy còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của mỗi quốc gia, những cũng cho thấy giống như giai đoạn 2006 – 2010, nguồn vốn FDI toàn cầu vẫn đủ cho Việt Nam thu hút FDI vượt mức hiện nay, nếu có được các giải pháp xúc tiến đầu tư thích hợp và môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao.

 

2. Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp cao diễn ra ngày 21/4 trong khuôn khổ chương trình của WIF 2012 với nội dung: các vấn đề trọng điểm liên quan tới xu hướng FDI và các chính sách, chiến lược xúc tiến đầu tư mới cần thiết cho việc nắm bắt các loại hình đầu tư mới, đã cho thấy hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam hiện nay do còn thiếu nhiều các yếu tố liên quan như tổ chức bộ máy, phương thức xúc tiến, cơ sở vật chất… Nếu không được nâng cấp kịp thời sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong hoạt động xúc tiến FDI ở phạm vi cạnh tranh toàn cầu.

 

Có một vấn đề được các đại biểu thống nhất sau phần trình bày của ông Robert Whyte chuyên gia ngân hàng Thế giới liên quan đến tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư FDI của mỗi quốc gia, đó là việc xây dựng hệ thống thông tin toàn quốc về FDI nhằm cung cấp online kịp thời đầy đủ các thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư, các chính sách và các vấn đề liên quan khác đến dự án như đất đai, điều kiện cơ sở hạ tầng, giá điện nước và khả năng cung cấp, thuế, đối tác đầu tư… Điều quan trọng là mỗi quốc gia đều cần có một đầu mối tiếp cận chính (là cơ quan xúc tiến đầu tư của quốc gia đó: IPA – Investment Promotion Agency; theo cách vận hành chung phổ biến trên thế giới hiện nay), để từ đó có thể tiếp nối đến các chi nhánh, bộ phận bên dưới của các IPA trong quốc gia trong việc xúc tiến đầu tư.

 

Với thực trạng cơ cấu tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay của Việt Nam, (thiếu phối hợp và liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các địa phương với các Bộ liên quan), cơ sở dữ liệu về FDI còn quá thiếu, cơ sở vật chất hiện tại còn yếu, đặc biệt là chưa có kết nối mạng thông tin giữa các địa phương với Bộ Kế hoạch & Đầu tư về FDI (cơ quan chủ trì xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm) cho thấy phải mất khá nhiều thời gian nữa, có thể vài năm nữa Việt Nam mới đáp ứng được việc xúc tiến đầu tư online với các nhà đầu tư quốc tế, nên không thể thường xuyên trong ngày, thậm chí trong 2 – 3 ngày có thể tiếp nhận được các yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và trả lời cho họ các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó việc đào tạo được một đội ngũ cán bộ xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp cho công tác điều hành mạng xúc tiến đầu tư online này và các cán bộ nghiệp vụ phân tích liên quan cũng là một thách thức không nhỏ cần được triển khai đồng bộ ngay với việc xây dựng cơ sở vật chất cho mạng thông tin FDI toàn quốc.

 

Trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự hồi phục của nền kinh tế vẫn rất mong manh và không đồng đều: tình trạng mất cân bằng kinh tế và sự bất ổn định của tiền tệ khiến cho các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc đưa ra các quyết định. Năng lực đầu tư toàn cầu tuy có khả năng tăng nhẹ trong các năm tới nhưng nhìn chung, các nguồn lực hiện có đều đang được cân nhắc kỹ hơn: nên đầu tư vào đâu so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Trước thực trạng và xu hướng FDI toàn cầu như vậy, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục đổi mới, đánh giá đúng thực trạng hoạt động FDI thời gian qua và định hướng rõ các giải pháp, bước đi cho thu hút FDI bền vững, phù hợp với đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới của đất nước trong bối cảnh hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, đáp ứng đúng yêu cầu của Đề án “Đánh giá thực trạng FDI và định hướng thu hút, giải pháp chính sách đến 2020” mà Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì thực hiện hoàn thành trong năm 2012.  
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status