Danh mục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010 có sự đổi ngôi bất ngờ ngay vào những tuần cuối của tháng 12.
Với 4 tỷ USD đăng ký của Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vừa được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư, bất động sản vụt trở lại ngôi đầu trong danh mục thu hút nhiều vốn FDI nhất, vượt xa hai ngành, lĩnh vực truyền thống là chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện, khí, nước về số vốn thu hút được trong năm 2010.
Không những thế, sự bất ngờ mang giá trị 4 tỷ USD này cũng làm kết quả thu hút vốn FDI năm 2010 gần hơn với kế hoạch năm, đạt khoảng 18 tỷ USD so với kế hoạch khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, câu chuyện dòng vốn FDI đổ dồn vào bất động sản trở thành điểm nhấn của năm.
Tuy nhiên, điểm nhấn này hoàn toàn khác sự hồ hởi quá mức về các dự án tỷ USD vào năm 2008 hay những khuyến nghị căng thẳng về tình trạng vốn FDI đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2009. Bởi ngay trước khi dự án 4 tỷ USD này được chính thức công bố, UBND tỉnh Quang Nam cũng đã phải tiến hành thủ tục rút giấy chứng nhận đầu tư của dự án có quy mô tương tự, trong cùng lĩnh vực là Dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng tại Quảng Nam trị giá 4,15 tỷ USD của chủ đầu tư Tano Capital, LLC và Global C&D, Inc.
Cũng thời điểm này, khá nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản đã được cấp phép cũng liên tục rơi vào tình trạng báo động đỏ, có thể bị rút giấy phép do chậm triển khai theo cam kết. Mặc dù chưa có một tổng kết đầy đủ nào, song dựa trên các công bố riêng lẻ của các địa phương, thì phần lớn số giấy phép bị chấm dứt hiệu lực rơi vào bất động sản.
Có thể hiểu rằng, sự ra đi của một dự án tỷ USD sẽ tạo cơ hội cho các dự án mới, nhà đầu tư mới. Thậm chí, nhìn vào thực trạng này, cũng có thể thấy, tiềm năng lớn của lĩnh vực bất động sản từ các khoảng trống do dự án bị thu hồi để lại, bởi khoảng vài ba năm trước, đã có thông tin rằng, hầu hết các diện tích đất “vàng” tại các khu đô thị, khu du lịch biển của Việt Nam đều đã có chủ.
Tuy nhiên, cũng nhìn vào thực tế, sự chuyển dịch của các chủ đầu tư với các dự án đăng ký mới chỉ làm nên những con số trên bảng thống kê, chứ không tạo được các công trình, dự án trên các diện tích đất đang được khoanh vùng nếu không có sự tính toán nghiêm túc, chặt chẽ về tính khả thi.
Cứ giả thiết rằng, các dự án thu hút đều đúng mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, thì vòng xoáy cấp phép – rút phép – cấp phép sẽ phá vỡ các kế hoạch, mục tiêu đã định, ảnh hưởng tới cả các kế hoạch phát triển của những năm tiếp theo. Đương nhiên, các khoảnh đất “vàng” mà nhiều địa phương trông đợi sẽ tạo nên nguồn thu cho ngân sách địa phương sẽ vẫn chỉ nằm trên các bản vẽ…