Tin tức

Đến 2015: Dự báo chính xác ngư trường theo tháng

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, đến trước năm 2015 phải đưa ra được dự báo hằng tháng về mùa vụ, loài hải sản chính, ngư trường trọng điểm, nghề trọng điểm và sau 2015 tiến tới dự báo được nửa tháng, thậm chí hằng tuần về khai thác hải sản Việt Nam.

Có đề án dự báo ngư trường khai thác hải sản trong tháng 6

Đơn vị chủ trì xây dựng đề án là Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản. Các đơn vị phối hợp gồm Viện Nghiên cứu Hải sản, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính Bộ NN&PTNT và một số đơn vị liên quan khác. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, đề án phải hoàn thành và trình trước ngày 30/06/2012.

Dự kiến, nội dung của đề án sẽ tập trung vào hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu dựa vào hải trình các đội tàu biển để dự báo sản lượng khai thác các loài hải sản chính, phục vụ công tác quản lý, giám sát; xây dựng dự báo cấu trúc các trường khí tượng, hải dương học nghề cá để cung cấp thông tin về ngư trường, các loài hải sản có giá trị kinh tế cao cho các đội tàu theo qui mô tháng.

Về lâu dài tiến tới dự báo qui mô theo phương pháp “Synop” với tần suất 10 ngày/lần. Bảo đảm phát thường xuyên bản tin dự báo khai thác đến tận ngư dân và đội tàu; đồng thời đánh giá kiểm chứng độ tin cậy của thông tin dự báo thông qua các dòng thông tin phản hồi, kể cả các kênh thông tin đại chúng.

Đề án thiết kế lộ trình thực hiện theo các tiểu dự án ưu tiên.

Tiểu dự án số 1: Tổng quan nguồn số liệu của các chương trình thu thập số liệu nghề cá đã và đang thực hiện. Mục tiêu của tiểu dự án là có được bộ số liệu nghề cá đầy đủ theo chuỗi thời gian cũng như kết hợp toàn bộ nguồn số liệu hiện có từ các hoạt động khảo sát khác.

Tiểu dự án số 2: Trong giai đoạn 2013-2014, cùng với việc thành lập Trung tâm Nghiệp vụ Dự báo, tập huấn cán bộ, tuyên truyền cho ngư dân, dự án sẽ phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành thu thập số liệu nghề cá thường xuyên tại các cảng cá, bến cá các tỉnh ven biển.

Tiểu dự án số 3: Đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác điều tra, phân tích, dự báo…

Tiểu dự án số 4: Đào tạo nâng cao năng lực, tổ chức phát hành và kiểm chứng thông tin dự báo. Mục tiêu của dự án là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng.

Theo nhiều nhận định, khó khăn lớn nhất trong công tác dự báo ngư trường nằm ở khâu thống kê khai thác thủy sản của các tỉnh. Hiện nay, trong cả nước chỉ duy nhất có tỉnh Bến Tre thống nhất được số liệu khai thác thủy sản giữa Cục Thống kê và Chi cục Thủy sản.

Do đó các chuyên gia cho rằng, sở NN&PTNT ở mỗi tỉnh phải được bổ sung nghiệp vụ và có cơ chế phối hợp cụ thể để chủ động hơn trong hoạt động dự báo, thống kê tại cơ sở. Thậm chí mỗi Chi cục phải có thêm một bộ phận chuyên môn về điều tra, thu thập số liệu khai thác.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Tám khẳng định: “Tổng cục Thủy sản sẽ sử dụng mọi nguồn lực để có thể điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường chính xác phục vụ ngư dân, chấm dứt tình trạng đánh mò hiện tại”.

Triển vọng lớn

Mới đây, mô hình dự báo nguồn lợi và ngư trường 2 loài cá ngừ đại dương mà ngư dân thường khai thác là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ở vùng biển xa bờ miền Trung, do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Hải sản phối hợp triển khai từ năm 2010, đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm với độ chính xác cao. Mô hình dựa vào đặc điểm các loài cá ngừ khi loài này chỉ thích nghi trong giải nhiệt độ từ 200C – 240C, chủ yếu tập trung từ bề mặt biển đến độ sâu khoảng 200m.

Đồng thời, thức ăn của cá ngừ gắn liền với năng suất sinh học của các loài sinh vật phù du. Chỗ nào có nhiều sinh vật phù du, chỗ ấy có nhiều thức ăn cho cá ngừ và đấy là nơi cá ngừ sẽ tập trung nhiều. Mô hình còn tập trung phân tích 26 yếu tố về môi trường biển, như: nhiệt độ nước, cấu trúc nhiệt, lớp đồng nhất… được cập nhật hằng ngày từ vệ tinh rồi so sánh với đặc điểm sinh học của loài cá ngừ để phát hiện nơi nào chúng sẽ tập trung nhiều.

PGS.TS Đoàn Bổ, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý biển, Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Mô hình đã kết hợp các yếu tố sinh học của các loài cá ngừ với các thông số môi trường biển để dự báo luồng cá. Đây là điều trước đó chưa bao giờ làm được ở Việt Nam. Hiện nay, mô hình đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm với độ chính xác 60%. Đây là kết quả rất cao. Mô hình đang bước vào giai đoạn kiểm định và dự kiến đến năm 2015 sẽ tiến hành cung cấp dự báo cho ngư dân”.

Được biết, thông tin dự báo sẽ được cung cấp miễn phí, rộng rãi đến ngư dân cả nước qua các đài phát thanh duyên hải, truyền hình kỹ thuật số và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Song song với dự án trên, ông Phạm Huy Sơn, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, Viện đã trúng thầu tiểu dự án điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản Việt Nam, phục vụ cho quản lý, khai thác. Dự án sẽ cho phép kết hợp ứng dụng ảnh viễn thám và điều tra tổng thể ngư trường để dự báo, giúp ngư dân ra biển là trúng mùa. Dự án này thực hiện trong 5 năm (2011 – 2015), với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Kết quả điều tra sẽ cung cấp cái nhìn tổng thể về tài nguyên nguồn lợi hải sản Việt Nam. Hiện dự án đã hoàn thiện mô hình dự báo. Sắp tới, Viện sẽ triển khai nội dung kiểm chứng dự báo.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Đà Nẵng đã và đang tiến hành hỗ trợ 280 thiết bị công nghệ Movimar (thiết bị quan sát tàu cá, vùng khai thác và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) cho 280 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển hoạt động khai thác xa bờ. Đây là dự án được thực hiện bằng vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ cho ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, với tổng trị giá 13,9 triệu euro, thời gian thực hiện 3 năm (2011-2013). Việc trang bị công nghệ kết nối vệ tinh Movimar sẽ giúp ngành chức năng nắm bắt thông tin chính xác hoạt động của tàu cá trên biển; hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hỗ trợ các thuyền trưởng định vị chính xác ngư trường khai thác, tiết kiệm nhiên liệu.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status