Những năm qua, tốc độ đô thị hoá của TP Cà Mau khá nhanh, các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã góp phần làm thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ vùng cực Nam của Tổ quốc. Theo đó, tình hình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác được chủ đầu tư quan tâm, song kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau có trên 40 dự án đã có chủ trương đầu tư với quy mô khá lớn (thấp nhất là 20 ha/dự án, cao nhất 173 ha/dự án). Đa phần các dự án có quy hoạch chi tiết xây dựng theo tỷ lệ 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở lập dự án đầu tư.
Công tác giải phóng mặt bằng tại các khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đạt tỷ lệ khá cao. Điều đáng quan tâm là, hầu hết các chủ đầu tư triển khai, thực hiện dự án không đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Mỗi dự án có một điểm “cộng”
Khảo sát một vòng các khu đô thị mới Hoàng Tâm, Tài Lộc (xã Lý Văn Lâm), khu đô thị mới Licogi, khu tái định cư phường 1, phường 9, khu dân cư Đông Bắc Quảng trường văn hoá thể thao phường 9… đều dễ nhận thấy việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được triển khai, song chưa hoàn thiện theo quy hoạch, thiết kế.
Khu tái định cư phường 1 và phường 9 do Công ty cổ phần Phát triển nhà Minh Hải làm chủ đầu tư là dự án được đầu tư khá về hạ tầng kỹ thuật, như hệ thống cấp thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng, đường và trường học… nên việc xây dựng nhà ở trong vùng dự án phát triển tương đối nhanh.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn của suy thoái kinh tế, nhưng bằng sự nỗ lực của các chủ đầu tư, tại các dự án của Công ty cổ phần Minh Thắng (phường 9), dự án đô thị mới của Công ty TNHH Tài Lộc (xã Lý Văn Lâm)… trên công trường vẫn nhộn nhịp công nhân đang thi công.
Ông Nguyễn Thành Nên, Giám đốc Công ty TNHH Tài Lộc, chia sẻ: “Muốn thu hút đơn vị, cá nhân đến với dự án của mình, không gì thuyết phục hơn bằng việc thực hiện đúng cam kết với họ.
Đó là những cam kết về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng như cam kết bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong phạm vi của dự án.
Vì thế, mặc dù gặp khó khăn không nhỏ về nguồn vốn đầu tư, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xây dựng các công trình thiết yếu như: điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng, cây xanh, đường, hệ thống cấp, thoát nước… tiến tới xây dựng các công trình xã hội trong khu vực dự án”.
Ông Trần Quốc Khải, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau, cho biết, các dự án đầu tư khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố đều làm khá tốt công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; có dự án thì làm tốt việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án trên là rất chậm so với kế hoạch. Đáng lưu ý là tình hình quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình kỹ thuật, xã hội thuộc vùng dự án chưa được quan tâm đúng mức.
“Lỗ hổng” của các dự án
Theo cơ cấu sử dụng đất được duyệt tại các dự án, chủ đầu tư phải dành quỹ đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, như: trường học, trạm y tế, khu sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao, chợ, hệ thống hạ tầng giao thông công cộng… Vấn đề này được thực hiện đúng quy định.
Nhưng tiến độ xây dựng các công trình còn rất chậm, hầu hết các dự án chưa đấu nối được với hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án.
Qua kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng mới đây cho thấy, chưa có dự án nào hoàn chỉnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo dự án được phê duyệt.
Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, đa số các dự án được san lấp mặt bằng, đầu tư nền hạ các tuyến đường chính trong khu vực dự án để phân lô chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân. Việc thoát nước của các dự án là thực trạng đáng quan tâm hiện nay, bởi không ít dự án còn vướng mắc vấn đề đấu nối hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án.
Riêng đối với hạ tầng xã hội, đã qua chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng trường học là chính, còn các công trình khác như: chợ, công viên, y tế, khu văn hoá, thể dục thể thao… chưa được xây dựng theo quy hoạch.
Ông Khải nhận định, vì hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa được đầu tư xây dựng nên tổ chức, cá nhân chưa tha thiết xây dựng trụ sở, nhà ở trong vùng dự án. Hiện nay, việc xây dựng nhà ở sau khi nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ tập trung chủ yếu tại khu tái định cư phường 1, phường 9, khu đô thị mới Hoàng Tâm và khu phố thương mại phường 8.
Đối với các dự án khác thì đa số tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa xây dựng nhà, vì kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống dân sinh.
Điều đáng quan ngại là, các chủ đầu tư chưa tuân thủ quy định Nhà nước về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, thiếu hoặc không có hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, không tổ chức giám sát chất lượng công trình thi công theo quy định.
Đặc biệt, đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng được chủ đầu tư chuyển giao cho Nhà nước đều không có sự tham gia kiểm tra, nghiệm thu của đơn vị tiếp nhận.