“Đây là nhận xét rất khách quan của tôi qua quá trình rà soát, đánh giá Chương trình cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam do OECD thực hiện”, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mario Amano khẳng định.
Trả lời baodautu.vn ông Mario Amano cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài đã dần thay đổi quan niệm về tình trạng quan liêu, thủ tục phức tạp mà họ thường gặp phải trong quá trình đầu tư vào Việt Nam trước đây. Đó đều là những kết quả ấn tượng mà Chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam trong 10 năm qua, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, kể từ khi bắt đầu thực hiện Đề án 30. “Trước đây, rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản từng than phiền với tôi về thủ tục đầu tư phức tạp, tệ quan liêu của hệ thống hành chính công tại Việt Nam khiến họ phải thay đổi ý định đầu tư tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, những tồn tại trên đang dần được dẹp bỏ nên họ đã bắt đầu trở lại đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn”, ông Mario Amano dẫn chứng.
Theo báo cáo đánh giá của OECD, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc đạt được mục tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Chính phủ Việt Nam đã đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện quản trị công, chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các thủ tục hành chính tại Việt Nam đã được tập hợp vào một cơ sở dữ liệu quốc gia và công bố trên mạng Internet. Đề án 30 đã chứng tỏ khả năng hiệu quả trong việc thống kê và xác định các nội dung đơn giản hóa.
Ghi nhận những thành tựu đạt được trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam, nhưng OECD cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều việc cần làm để thực thi các phương án đơn giản hóa. Theo ông Mario Amano, việc khảo sát của OECD cho thấy Đề án 30 nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, dù đã có nhiều thay đổi nhưng thủ tục chứng nhận đầu tư, thủ tục đất đai vẫn phức tạp, cũng như tình trạng nhũng nhiễu vẫn còn. Thông điệp của cộng đồng doanh nghiệp là, để trở thành một nền kinh tế trưởng thành, có năng lực cạnh tranh quốc tế, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh mạnh môi trường đầu tư sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng vài năm gần đây nhưng hiệu quả nền kinh tế Việt Nam cũng đang tiến gần đến giới hạn với cơ cấu hiện tại. Do vậy, các rào cản thủ tục hành chính nếu không được xử lý sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Dựa trên những tiến bộ đã đạt được, Việt Nam phải đẩy nhanh việc cải thiện môi trường thể chế nhằm duy trì bền vững mức tăng trưởng cao, cũng như khả năng cạnh tranh trong môi trường hậu WTO. Cải thiện khung thể chế sẽ thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp, trong đó có mô hình hợp tác công – tư để huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Nó phải là một phần của chương trình phát triển rộng hơn, có phối hợp với các quá trình cải cách công vụ, luật doanh nghiệp và đầu tư, thủ tục cấp phép/đăng ký thành lập doanh nghiệp, chứng nhận quyền sử dụng đất đai, hải quan…, để tối ưu hóa lợi ích đạt được cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong các khuyến nghị dành cho Việt Nam trong thời gian tới, OECD đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp để có thể tìm ra những hạn chế thủ tục sát sườn nhất đối với quyền lợi của họ. “OECD sẵn sàng cung cấp kinh nghiệm có được từ 33 nước thành viên, cũng như đưa các chuyên gia sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm và tài liệu tham khảo”, ông Mario Amano khẳng định.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính (Văn Phòng Chính phủ) thuộc Hội đồng tư vấn thực hiện Đề án 30 cho biết, Chính phủ đang đẩy mạnh hết sức có thể việc cắt giảm, thay thế những thủ tục không hợp lý. Thời gian qua, đã trình Chính phủ đơn giản hơn 4800 thủ tục, trong đó bãi bỏ hơn 400 thủ tục, thay thế các điều khoản bất hợp lý trong 1016 văn bản hành chính chính… Phấn đấu trong quý IV này và 6 tháng đầu năm 2011 sẽ thực hiện cắt giảm, thay thế toàn bộ các thủ tục bất hợp lý thuộc hệ thống các Bộ và cơ quan trung ương, Chính phủ, qua đó phục vụ tốt hơn nữa sự thuận lợi của người dân và doanh nghiệp.