Trong bài toán tái cơ cấu đầu tư công, việc thu hút nguồn lực tư nhân vào các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giảm gánh nặng cho vốn ngân sách là bước đi tất yếu và cần thiết.
Ngày 22/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về đối tác công-tư (PPP), yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh các nhiệm vụ trong kế hoạch, chương trình đầu tư theo hình thức PPP, mô hình được kỳ vọng là bước đột phá trong chủ trương tái cơ cấu đầu tư công hiện nay.
Hiện nay, Ban chỉ đạo về PPP đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về quy chế thí điểm đầu tư PPP và kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo về PPP do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì. Trong mảng việc xây dựng, hoàn chỉnh khung pháp lý về PPP đang tiến hành dự thảo sửa đổi, hợp nhất Quyết định số 71 với Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT thành một Nghị định mới.
Đối với các dự án PPP thí điểm, các cơ quan liên quan đang tiến hành thẩm định, trình triển khai ở các khâu quy định. Đáng chú ý như Dự án nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải (tỉnh Sóc Trăng), Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ, đường cao tốc Ninh Bình-Bãi Vọt, Hà Tĩnh…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo về triển khai các chương trình hỗ trợ liên quan đến PPP của các nhà tài trợ quốc tế như Dự án hỗ trợ đối tác công tư của ADB và AFD, Quỹ hỗ trợ của DFID…
Đánh giá kết quả triển khai chương trình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng khối lượng công việc còn rất lớn và cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa các đầu việc, đảm bảo thực hiện thành công những dự án thí điểm để tạo tiền đề tốt cho mô hình đầu tư PPP đang hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các bộ, ngành có dự án PPP thành lập, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chuyên môn quản lý, triển khai mô hình còn rất mới và khó này. Đồng thời, các ngành cũng thực hiện đánh giá riêng về cơ cấu đầu tư trong ngành, từ đó đưa ra mục tiêu tái cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực, phân định rõ dự án, chương trình nào sử dụng vốn ngân sách, dự án nào thu hút nguồn lực tư nhân.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo sẽ lập danh mục, phân loại các dự án do Ban chỉ đạo, cấp bộ và cấp địa phương phân cấp chỉ đạo, tạo sự chủ động trong việc triển khai chuẩn bị hồ sơ, dự án, kêu gọi tư nhân đầu tư.
Thường trực Ban chỉ đạo tập trung hoàn thiện khung pháp lý, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan với định hướng tạo sự linh hoạt về cơ chế trong triển khai giai đoạn đầu mô hình PPP còn mới này.