Tin tức

Đầu tư vào khu công nghiệp: Hẹp cửa ưu đãi

28/289 khu công nghiệp (KCN) sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). 

Dù đã được quy định khá rõ tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, do Quốc hội ban hành ngày 19/6/2013, nhưng Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến công luận, cho thấy, “cửa” ưu đãi cho các dự án đầu tư ở KCN khá hẹp.

 

 

 

Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) được đầu tư xây dựng từ năm 2005, với tổng diện tích 658,7 ha. (Ảnh: Hà Thanh)

 

Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN quy định rõ: “Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN, trừ KCN thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo”.

Điểm chưa rõ ở đây là phần “loại trừ” được tính như thế nào. Và điều này được hướng dẫn tại Dự thảo Nghị định.

Theo Dự thảo Tờ trình Nghị định, “địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi” được hiểu là các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương và cả đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Vì thế, sẽ có một loạt địa bàn trong danh mục loại trừ, bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các thành phố khác, bao gồm Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Thái Nguyên, Nam Định và Việt Trì cũng thuộc diện này.

“Theo quy định nêu trên, sẽ có 28/289 KCN không được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Đây là các KCN thuộc khu vực nội thành của 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước”, Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính nêu rõ.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết tháng 12/2012, cả nước có 289 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN, trong đó có 179 KCN đã thành lập và đi vào hoạt động. Như vậy, còn 110 KCN dù đã có trong quy hoạch, nhưng chưa thành lập.

“Trong thời gian tới, các KCN trong Quy hoạch Phát triển các KCN Việt Nam, nếu được thành lập và thuộc các địa bàn này cũng sẽ không được hưởng ưu đãi thuế TNDN”, Bộ Tài chính nêu rõ và bày tỏ quan điểm rằng, quy định như vậy là để đảm bảo có mức ưu đãi hài hòa giữa các KCN theo địa bàn, đảm bảo ưu đãi cao hơn cho những địa bàn ít thuận lợi hơn, nhằm thu hút đầu tư vào các KCN ở các địa bàn kém thuận lợi, hạn chế phát triển KCN ở khu vực nội thành.

Thực tế, ngay từ khi Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp vừa rồi, đã có rất nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Có quan điểm cho rằng, hiện có tới 80% KCN là nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm, nếu không ưu đãi đầu tư, thì không khuyến khích được nhà đầu tư chọn các KCN để xây dựng nhà máy. Song cũng có quan điểm ngược lại, rằng nếu “cào bằng” ưu đãi, sẽ không khuyến khích được đầu tư ở vùng sâu, vùng xa.

Quốc hội cuối cùng đã lựa chọn phương án “loại trừ”. Thực tế, từ năm 2009 đến nay, sau khi ưu đãi đầu tư vào KCN bị bãi bỏ, thu hút đầu tư vào đây đã chậm lại.

Không chỉ là vấn đề địa bàn, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN cũng đưa ra một giới hạn rất nhỏ cho ưu đãi đầu tư vào KCN. Đó là sẽ chỉ được miễn thuế trong 2 năm và giảm tối đa 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Theo hướng dẫn tại Dự thảo Nghị định, các DN đầu tư trong các KCN sẽ hưởng thuế suất thuế TNDN 20%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với thuế suất thuế TNDN thông thường (22%).

Cần nhắc lại rằng, trước năm 2009, trong khi thuế suất thuế TNDN phổ thông là 28%, thì DN đầu tư trong KCN được hưởng thuế suất 20% trong 10 năm, được miễn thuế 2 năm, giảm thuế 6 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế. DN thuộc lĩnh vực sản xuất trong KCN thậm chí còn được hưởng ưu đãi ở mức cao hơn, với thuế suất 15% trong 12 năm, miễn thuế 3 năm, giảm thuế trong 7 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status