Tin tức

Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời kỳ mới

Một trong những thành tựu nhãn tiền của nước ta trong công cuộc đổi mới và mở cửa là đã thu hút được một lượng đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhớ lại năm 1988, một năm sau khi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên được thông qua, mới chỉ có 38 dự án với số vốn đăng ký vẻn vẹn có 321,5 triệu đô la. Ngày nay, tính đến 20-10-2010 đã có 12.213 dự án với số vốn đăng ký lên tới gần 193 tỉ đô la, tăng khoảng 600 lần, trong đó vốn pháp định đạt trên 63 tỉ đô la.  

Rõ ràng FDI đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong một phần tư thế kỷ qua trên nhiều mặt: đem lại nguồn vốn quan trọng, riêng năm 2010 chiếm 25,8% tổng số vốn đầu tư thực hiện của toàn xã hội; tăng thu ngân sách; đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% giá trị xuất khẩu và khoảng trên dưới 20% GDP; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý; tạo nhiều công ăn việc làm; mở rộng thị trường thế giới. 

Mặc dù vậy trong việc huy động FDI cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được xem xét, vả lại ngày nay nước ta đang nhằm tới mục tiêu mươi năm nữa về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên càng nên bình tâm nhìn lại quá trình thu hút FDI có những điều gì cần phát huy, điều gì cần căn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. 

Trước hết cần khẳng định rằng, nước ta tiếp tục cần và có thể thu hút nguồn FDI đáng kể. Như dân gian thường nói “có bột mới gột nên hồ”. Cho dù lực của ta đã khác, khả năng huy động vốn và chế tạo trong nước đã tăng hơn trước nhiều nhưng vẫn cần lượng vốn đáng kể và công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

 

Mặt khác, nước ta đang có vị thế kinh tế và chính trị quốc tế thuận lợi, được cộng đồng thế giới đánh giá cao, đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới và cam kết mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trên thế giới vẫn dồi dào, nhiều công nghệ mới sẽ tiếp tục ra đời mà ta có thể và cần ra sức khai thác để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Yêu cầu của thời kỳ mới:

Có điều, trong tình hình mới, một số phương châm sau cần được nhấn mạnh: 

Một là, đi đôi với việc tiếp tục gia tăng số lượng, cần đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng; 

Hai là, FDI phải góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tránh để đất nước rơi vào “cái bẫy” của nước có thu nhập trung bình. Đây chính là cái “chất” cần có trong việc thu hút FDI; 

Ba là, thông qua việc thu hút FDI tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu; 

Bốn là, việc thu hút FDI không hạn chế mà thúc đẩy quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. 

Theo tinh thần đó, có lẽ nên tiến hành một số sự điều chỉnh về cơ cấu ngành trong việc thu hút FDI. Cho tới nay tuy công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm khoảng trên 50% vốn pháp định song phần gia công, lắp ráp chiếm tỷ trọng không nhỏ, những dự án chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ và nhất là công nghệ cao còn ít, công nghệ thông tin chỉ chiếm khoảng trên 4,6%, vào khoa học – công nghệ chỉ có gần 350 triệu đô la, vào giáo dục đào tạo có trên 100 triệu đô la, vào các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản chỉ gần 1,5 tỉ đô la/trên 63 tỉ đô la vốn pháp định. 

Thực hiện những chủ trương đã được nêu ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, phải hướng nguồn vốn FDI chuyển mạnh vào các lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, giảm thiểu lĩnh vực gia công lắp ráp, tăng hơn nữa tỷ trọng công nghiệp chế biến, nhất là chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. 

Tuy nước ta tiến hành công nghiệp hóa song nông nghiệp, bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục là những lĩnh vực quan trọng. Vì vậy cần có chính sách để gia tăng mạnh mẽ việc thu hút FDI vào lĩnh vực này ở tất cả các khâu từ “đầu vào” lẫn sản xuất và sau thu hoạch (bảo quản, chế biến, tiêu thụ…). Nhiều dự báo cho thấy vấn đề lương thực sẽ trở thành điểm nóng trên thế giới cho nên sẽ xuất hiện xu hướng gia tăng “cầu” và vốn đầu tư vào nông nghiệp. Kinh tế biển nay đã được coi là một trong những trọng tâm trong sự phát triển của nước ta do đó cần tranh thủ các doanh nghiệp FDI tham gia ngày càng tích cực hơn vào lĩnh vực trọng yếu này.

 

Phù hợp với chủ trương “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt”, một mặt cần kiên quyết xử lý những hiện tượng các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, nghiêm khắc đòi hỏi các tiêu chuẩn môi trường khi cấp phép đầu tư; mặt khác cần ra sức khuyến khích các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, ngăn ngừa tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. 

Giải quyết ba khâu đột phá 

Ba khâu đột phá (thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở) vừa thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong nước, vừa gia tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI cần được coi là những nguồn lực đáng kể đối với hai khâu đột phá là nguồn nhân lực, khoa học – công nghệ và hạ tầng cơ sở, kể cả việc đầu tư vào ngành điện lực mà lâu nay còn rất hạn chế. 

Cơ cấu vùng trong những năm tới chắc sẽ có sự chuyển dịch đáng kể nếu tính rằng các vùng kinh tế trọng điểm sẽ gặp khó khăn gay gắt về mặt bằng sản xuất và nhân công, do đó dòng vốn FDI sẽ lan dần ra các khu vực mới. Trong bối cảnh đó, nên chủ động định hướng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết ở cả ba khâu đột phá để đón lõng chiều hướng mới này. 

Về cơ cấu các nhà đầu tư thì cho tới nay các công ty xuyên quốc gia (TNC) có nguồn vốn dồi dào, nắm trong tay công nghệ tiên tiến, thương hiệu nổi tiếng, thị trường rộng lớn còn chưa hiện diện nhiều ở Việt Nam. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải tranh thủ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp loại này và các nền kinh tế phát triển cao. 

Những điều nói trên mới chỉ là mong muốn; để biến chúng thành hiện thực thì còn nhiều việc phải làm, trước hết là nỗ lực giải quyết ba khâu đột phá với tư cách là chìa khóa mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xung quanh trong việc thu hút FDI.

Điều quan trọng hàng đầu là đổi mới thể chế. Đây là lĩnh vực rộng lớn song đối với việc thu hút FDI có lẽ nổi lên các vấn đề sau: 

– Bên cạnh sự ổn định chính trị – xã hội vốn có như một lợi thế của nước ta, sự ổn định về kinh tế vĩ mô tiếp tục là một nhân tố không thể thiếu được đối với các nhà đầu tư. Ngược lại cần hướng các nhà đầu tư nước ngoài vào việc góp phần giảm tình trạng nhập siêu vì không ít doanh nghiệp FDI nhập khẩu chính sản phẩm của họ để gia công ở Việt Nam làm trầm trọng thêm tình hình.

– Cần kịp thời xây dựng và cơ động, linh hoạt sửa đổi các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế để hướng các doanh nghiệp FDI vào trúng những lĩnh vực nước ta cần trong thời kỳ mới;

 

– Đất đai, mặt bằng sản xuất luôn luôn là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, do đó việc tiếp tục sửa đổi luật đất đai và những cơ chế đi kèm sẽ là một yêu cầu cấp bách;

 

– Chỉ có dứt khoát chuyển sang cơ chế giá theo nguyên tắc thị trường mới có thể khuyến khích các nhà đầu tư đi vào lĩnh vực điện năng; 

– Đi đôi với việc không ngừng đổi mới thể chế để thu hút FDI, cần hoàn thiện thể chế để ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực có thể có như trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm điều kiện cần thiết cho người lao động theo luật định; 

– Xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa phân cấp và tập trung theo hướng: không trở lại cơ chế tập trung – quan liêu mà tiếp tục phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Trung ương ban hành quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ rõ ràng trên cả nước như một không gian kinh tế thống nhất, kiểm tra kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ việc chính quyền địa phương thực hiện; nếu cần thì ban hành danh mục một số lĩnh vực, dự án Trung ương cần trực tiếp xem xét để tránh sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong việc này cần có biện pháp khắc phục các biểu hiện địa phương chủ nghĩa, chạy theo thành tích, xé nhỏ không gian kinh tế của đất nước thành các “tiểu vương quốc” nhỏ lẻ; 

– Tuy thủ tục hành chính đã được cải tiến đáng kể song vẫn cần nghiêm túc rà soát để giảm thiểu tới mức thấp nhất sự phiền hà đi đôi với cuộc đấu tranh kiên quyết và liên tục chống lại các biểu hiện tham nhũng, sách nhiễu, hối lộ… 

Về chất lượng nguồn nhân lực thì thời kỳ của lợi thế về “lao động dồi dào và rẻ” đã qua, tuy đã muộn song rất cần một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản cả về tri thức lẫn tay nghề và tác phong lao động công nghiệp hiện đại. Đây sẽ là lợi thế so sánh mang tính quyết định của nước ta trong thời kỳ mới. Tuy nhiên đây là một vấn đề rộng lớn, cần được bàn luận riêng.

 

Về cơ sở hạ tầng bao gồm cả điện nước, hướng cơ bản là cần kiên quyết tập trung nguồn lực, tháo gỡ những nút cổ chai, trong đó việc xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng và đường vào ra cần dành ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo. Bên cạnh đó, nếu không xử lý được tình trạng điện phập phù thì cũng khó bề thu hút FDI; để giải quyết vấn đề này cần thu hút nguồn lực của cả các nhà đầu tư nước ngoài mà khâu đầu tiên là xử lý tình trạng giá xa với giá thị trường, gỡ bỏ tình trạng độc quyền. 

Trên đây là một số suy ngẫm riêng tư cốt để kích thích sự trao đổi rộng rãi về một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển và quá trình hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ mới.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status