Đầu tư ra nước ngoài trong thời gian gần đây ngày càng có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả cũng như khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng cần thêm những cơ sở pháp lý và các quy định cụ thể cho phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu
Phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu xung quanh vấn đề trên.
Xin Thứ trưởng cho biết tình hình đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay?
Tôi cũng nhấn mạnh rằng đầu tư ra nước ngoài là cần thiết, nó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện Chiến lược của đất nước và tìm kiếm lợi nhuận mang về cho đất nước, cho doanh nghiệp.
Về cơ chế quản lý nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, theo chỉ đạo của Chính phủ, các dự án đều phải được xem xét trên các nguyên tắc đảm bảo phù hợp với Chiến lược quốc gia và mang lại hiệu quả. Chính phủ đã ban hành đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý dòng tiền ra, cơ chế quản lý đầu tư.
Trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm ưu thế về nguồn vốn và dự án. Theo Thứ trưởng, việc quản lý chặt chẽ các dự án , đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Nhà nước vẫn cần phải có thêm các quy định cụ thể nào nhằm phù hợp với thực tế?
Trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn là các đơn vị đi đầu trong các lĩnh vực thúc đẩy đầu tư của Việt Nam theo định hướng của Chính phủ. Các dự án của khối doanh nghiệp này đều là các dự án phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp thường có quy mô vốn đầu tư khá lớn, ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận còn góp phần thực hiện các mục tiêu an ninh quốc phòng của quốc gia và định hướng chiến lược phát triển của ngành.
Các dự án của khối doanh nghiệp Nhà nước khi đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài và các quy định riêng về sử dụng vốn Nhà nước. Hệ thống văn bản hiện tại về đầu tư ra nước ngoài bao gồm các quy định về cấp phép, quản lý hoạt động, chuyển vốn đầu tư, vấn đề tài chính đã được các bộ, ngành liên quan xây dựng một cách tương đối đầy đủ, thậm chí một số lĩnh vực đặc thù như đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng có nhưng văn bản pháp luật điều chỉnh riêng.
Tuy nhiên, các quy định về quản lý đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước nói chung và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cũng còn nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Ngoài ra, do hoạt động đầu tư ra nước ngoài xảy ra ở ngoài biên giới lãnh thổ, còn chịu sự tác động của các quốc gia khác, quốc tế và khu vực, do đó, việc quản lý chặt chẽ các dự án này, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Nhà nước vẫn cần có thêm các quy định cụ thể phù hợp với thực tế, bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư này.
Song song với việc nghiên cứu, hoàn thiện thêm về hệ thống chính sách, theo tôi cần đẩy mạnh công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện công tác hậu kiểm đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài theo các quy định đã có.
Thứ trưởng cho biết định hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thời gian tới của Việt Nam như thế nào?
Định hướng đầu tư ra nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 20/02/2009 về Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.”
Cụ thể, địa bàn đầu tư ra nước ngoài sẽ ưu tiên phát huy các tiềm năng từ bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước; trong đó chú trọng các nước có biên giới gần. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga…. Đồng thời từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ Latinh, Đông Âu, châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt Nam.
Vậy theo Thứ trưởng những lĩnh vực ưu tiên nào cần được chú trọng và cần thêm những chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới?
Về lĩnh vực ưu tiên đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ chỉ đạo, lựa chọn những ngành Việt Nam có lợi thế, phù hợp với Chiến lược như lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên; trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực nuôi, trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; trồng cây công nghiệp và chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp, viễn thông. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những chính sách để tạo thuận lợi hơn cho công tác đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể xác định rõ vai trò quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các doanh nhân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, cải tiến thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, mở rộng hơn nữa các dự án thuộc diện đăng ký, giảm bớt sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Việc quy định đồng bộ các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài một cách cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài cũng là vấn đề cần thiết.
Mặt khác, tập trung vào công tác quản lý, giám sát dự án sau cấp phép; trong đó, quản lý chặt chẽ đối với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn Nhà nước, bảo đảm sử dụng vốn Nhà nước được công khai, minh bạch và hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!