Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 16,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2011.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, tính từ 1/1/2012 đến 31/12/2012, cả nước đã có 1.287 dự án ĐTNN mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 8,6 tỷ USD, bằng 71,2% so với năm 2011. Trong năm 2012 có 550 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,7 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 16,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2011.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 549 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 11,7 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm 2012. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 13 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,9 tỷ USD, chiếm 12,1%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 220 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 772,8 triệu USD, chiếm 4,7%.
Theo đối tác đầu tư:
Trong năm 2012, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,59 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Đài Loan đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,6 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,9 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hàn Quốc, Samoa, BritishVirginIslands, Hồng Kông.
Theo địa bàn đầu tư:
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 2,79 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hà Tĩnh với 5 dự án, tổng vốn đầu tư 2,14 tỷ USD. Hà Nội đứng thứ 3 với 1,3 tỷ USD vốn đăng ký. Tiếp theo là các địa phương TP Hồ Chí Minh (1,3 tỷ USD), Hải Phòng, Bắc Ninh và Đồng Nai.
Tính lũy kế đến ngày 31/12/2012, Việt Nam có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 50,3% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (23,6%), dịch vụ lưu trú ăn uống (5%). Tính đến nay đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký 28,6 tỷ USD, tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 32,2 tỷ USD, tiếp theo là Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.
Tình hình thực hiện và kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI năm 2012.
Vốn thực hiện của khu vực FDI tại Việt Nam năm 2012 ước đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% mức thực hiện của năm 2011. Năm 2012, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vốn giải ngân của khu vực FDI vẫn đạt mức gần tương đương với cùng kỳ năm 2011.
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) trong năm 2012 đạt 72,2 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 55,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của khu vực ĐTNN năm 2012 đạt 59,943 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 52,7% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung năm 2012, khu vực ĐTNN xuất siêu 11,9 tỷ USD.