Tin tức

Đánh giá khả năng xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2012

 Đánh giá chung:
Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng không vững chắc và không có sự đồng đều giữa các quốc gia. Các nền kinh tế phát triển vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn như tăng trưởng chậm, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia ở châu Âu gây ra sự bất ổn tài chính, làm chậm tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này chắc chắn sẽ tác động đến thương mại của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2012 và cả năm 2013. Với tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên GDP ngày càng cao, Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu này.

– Thị trường tiêu thụ, đầu ra cho hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn và trong ngắn hạn chưa thể phục hồi. Sức tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… giảm đáng kể đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhất là dài hạn. Nếu trước đây phần nhiều doanh nghiệp có đơn hàng 6 tháng hay 1 năm, thì nay phần đông phải “ăn đong” hợp đồng 3 tháng, 2 tháng, thậm chí 1 tháng. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng tăng cường hàng rào kỹ thuật, một số lô hàng thủy sản, rau quả của Việt Nam đã bị cảnh báo là chất lượng chưa bảo đảm, đặt doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ mất nhiều thị trường lớn trên thế giới …

– Mặc dù hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có tính cạnh tranh cao nhưng lợi thế này đang dần mất đi khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp lao động giá rẻ hơn hoặc thông qua các biện pháp nâng cao năng suất tích cực hơn. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2012 đến nay, VND đã tăng 0,72% giá trị so với đồng USD. Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới liên tục tăng rất mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt, việc VND tăng giá so với USD đã gián tiếp khiến VND tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác. So với thời điểm đầu năm 2012, VND đã tăng thêm 2,9% giá trị so với đôla Australia, tăng 5% giá trị so với franc Thuỵ Sỹ,  6,3% giá trị so với đồng Euro,  4,5% giá trị so với Yên Nhật … Xu hướng này phần nào sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn hơn vì giá xuất một số mặt hàng tăng lên, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đối với nhập khẩu, khó khăn lớn nhất là sức tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 tiếp tục giảm 0,29% – ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp và là tháng giảm mạnh nhất từ đầu năm 2009 đến nay. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 đã giảm tốc, chỉ tăng 6,1% trong tháng 6 – mức thấp nhất kể từ tháng 3 đến nay.

Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương trong những tháng tới cũng được hỗ trợ bởi một số yếu tố tích cực như sau:

 – Trong bối cảnh suy giảm của kinh tế toàn cầu, lãnh đạo nhiều quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, liên tục đưa ra những biện pháp nới lỏng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân trên thế giới, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

– Lãi suất VND liên tục được điều chỉnh giảm từ đầu năm 2012 đến nay. Đến thời điểm này, “trần” lãi suất huy động VND đã giảm xuống mức 9% và có thể sẽ được điều chỉnh giảm tiếp nều nền kinh tế không có chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Chính phủ và NHNN liên tục có những động thái bơm tiền vào nền kinh  tế nhằm kích thích tăng trưởng. Theo tính toán, trong những tháng cuối năm 2012 mỗi tháng sẽ có khoảng 22-23 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công được chi tiêu vào nền kinh tế. Số vốn đầu tư công này có thể giúp giải quyết những vấn đề tồn kho và cải thiện tổng cầu của nền kinh tế và làm tăng nhu cầu nhập khẩu.

Tỷ giá USD/VND ổn định trong một thời gian dài sẽ là một trong những yếu tố tích cực kích thích hoạt động nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh đồng USD tăng giá liên tục so với các đồng tiền khác trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, sự ổn định của thị trường ngoại hối với nguồn cung USD dồi dào sẽ giúp NHNN có thể đưa ra và thực hiện các giải pháp tài chính – tiền tệ chung tay cùng Chính phủ trong việc phục hồi sản xuất trong nước.

– Giá hàng hóa thế giới đang trong xu hướng giảm, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu chủ chốt như sắt thép, xăng dầu …

 Dự báo:

Với diễn biến này, dự báo trong một vài tháng tới hoạt động xuất khẩu sẽ đạt mức tăng trưởng tương đối khả quan, tuy nhiên khó có thể tăng mạnh như những tháng đầu năm. Tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2012 sẽ tăng khoảng 15 – 15,5% so với năm 2011 lên 111,8 tỷ USD, cao hơn 2,1% so với mục tiêu tăng 13% lên 109,5 tỷ USD mà Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Đối với nhập khẩu, nhập khẩu khó có khả năng tăng trưởng đột biến trong những tháng cuối năm bởi hoạt động sản xuất trong nước chưa thực sự hồi phục. Tuy nhiên, với những yếu tố tác động tích cực nói trên cộng với yếu tố tăng mạnh vào cuối năm theo chu kỳ, dự báo kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng tới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khá, đưa kim ngạch nhập khẩu trong cả năm 2012 đạt tốc độ tăng khoảng 7% lên 114,2 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch (trên 120 tỷ USD). Như vậy, nhập siêu trong năm 2012 sẽ vào khoảng 2,4 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status