Tin tức

Đánh giá chung về tình hình kinh tế trong tháng 7/2012

Thế giới:
Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “trầm lắng” và tiếp tục phải đối diện với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong giai đoạn hiện tại, 6/17 nền kinh tế khu vực Eurozone đã rơi vào suy thoáI; Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone đang giảm sút mạnh mẽ với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 năm; tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại rõ rệt trong khi các nền kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới như Trung Quốc, ấn Độ hay Braxin cũng không thoát khỏi thực tế suy giảm đà tăng của GDP.
 

Trước diễn biến này, lãnh đạo của hàng loạt các nền kinh tế chủ chốt đã liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp nhằm mục đích lớn nhất: ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

– Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng song song với việc thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách. Tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức khẳng định rằng ECB có thể làm bất kỳ điều gì cần thiết để đảm bảo tính nhất thể của khối sử dụng đồng tiền chung. Đồng thời, nhiều khả năng trong ngắn hạn ECB có thể sẽ gia tăng quy mô của quỹ giải cứu tài chính dành cho khu vực Eurozone nhằm đưa khu vực này tiến thêm một bước trong quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.

– Tại Mỹ, dấu hiệu cho thấy Chính phủ nước này sẽ sớm tung ra gói kích thích kinh tế mới ngày càng tới gần sau khi những số liệu trong tuần qua tiếp tục cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục chậm lại. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua tăng, trong khi hoạt động của các nhà máy ở khu Philadelphia giảm tháng thứ 3, số liệu bán nhà bất ngờ sụt giảm, niềm tin tiêu dùng Mỹ yếu hơn, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua cũng tăng hơn dự đoán … Trước diễn biến này, Chủ tịch Fed Bernanke đã phát biểu rằng, các nhà làm luật đang cân nhắc nới lỏng chính sách trong trường hợp tăng trưởng kinh tế không đủ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và mặc dù không đưa ra lựa chọn cụ thể, song ông Bernanke khẳng định, Fed sẽ hành động mạnh hơn nữa nếu cần thiết để thúc đẩy đà phục hồi bền vững của thị trường lao động.

– Tại Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra những động thái chứng tỏ quyết tâm ổn định và bảo về nền kinh tế nước này khỏi đà suy giảm nhanh chóng. Theo số liệu đánh giá sơ bộ của ngân hàng HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng lên 49,5 điểm – ghi nhận mức cao nhất trong 5 tháng qua và phần nào cho thấy các chính sách nới lỏng của Chính phủ Trung Quốc dường như đã phát huy hiệu quả. 

                Trong nước:

Tại thị trường trong nước, đã bước qua 7 tháng đầu năm nhưng những kết quả kinh tế nước ta đạt được là không mấy tích cực. Trong đó, tình trạng công ty phá sản, giải thể lên tới gần 30 nghìn doanh nghiệp, lượng hàng tồn kho ứ đọng chiếm hơn một phần tư tổng lượng hàng hóa, hoạt động sản xuất đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây, sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm mạnh, dòng tín dụng cho các doanh nghiệp bị nghẽn mạch và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới quanh mức 9%.

Về mặt tích cực, mặc dù nền kinh tế đã đạt được một số tiến triển khả quan về việc kiểm soát lạm phát, tăng trưởng xuất khẩu, ổn định tỷ giá … nhưng theo đánh giá, tình trạng lạm phát hiện nay dù giảm trước mắt nhưng vẫn còn đáng lo khi CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2012 vẫn cao hơn tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với nhiều nước trong khu vực. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, sẽ tiếp tục phải nới lỏng tiền tệ và tài khoá, dễ làm cho lạm phát cao trở lại vào năm sau như đã từng lặp đi lặp lại trong 9 năm qua. Trong khi đó, đầu ra cho xuất khẩu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là đối với những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy hay thủy sản, nguyên liệu nhập khẩu đầu vào bị áp lực tăng giá trong khi xuất khẩu đầu ra thì luôn luôn bị ép giá thấp xuống thậm chí giá còn giảm nhiều so với trước khi nền kinh tế bị khủng hoảng.

Trước diễn biến này, mục tiêu lớn là tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm đã không đạt được chỉ tiêu 6 – 6,5%, do đó trong nửa cuối năm nay, sức ép đạt được mục tiêu này chắc chắn sẽ rất nhiều thách thức.

Riêng trong tháng 7, CPI tiếp tục giảm tới 0,29% so với tháng 6/2012, ghi nhận mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ đầu năm 2009 đến nay. Trong tháng 8 tới, nhiều khả năng lạm phát sẽ khó có thể giảm mạnh như tháng 6 và tháng 7 bởi CPI phần nào sẽ chịu tác động của đợt tăng giá điện và giá xăng dầu vừa qua. Bên cạnh đó, sức mua đã có dấu hiệu tích cực hơn khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước trong tháng 7 đã tăng 0,12% so tháng 6. Tuy nhiên, do nền kinh tế vẫn chưa xuất hiện những chuyển biến rõ nét nên dự báo CPI trong tháng 8 vẫn giảm khoảng 0,1% so với tháng trước.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp sau khi tăng tốc trong những tháng gần đây đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 7. Nếu như chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm nay tăng 6,5%; tháng 4 tăng 7,5%; tháng 5 tăng 6,8% và tháng 6 tăng 8% thì tháng 7 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên cả nước trong tháng 7 đã có sự cải thiện khi đạt tốc độ tăng 0,12% so với tháng 6, nâng mức tăng trưởng của chỉ số này trong 7 tháng đầu năm 2012 lên 18,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,7%.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status