Tin tức

Đan Mạch vẫn giữ mức ODA lớn cho Việt Nam

 Đại sứ Đan Mạch, ngài John Nielsen cho biết, sau 2 – 3 năm nữa, Đan Mạch mới giảm dần ODA và chuyển sang phát triển quan hệ thương mại với Việt Nam.

Ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam

Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và quan hệ giữa Việt Nam với Đan Mạch đang tiến dần tới quan hệ đối tác hợp tác, thay vì đối tác phát triển, liệu Đan Mạch có giảm dần ODA cho Việt Nam?

 

Dù là nước có thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn cần rất nhiều vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang dành cho Việt Nam một lượng vốn hỗ trợ lớn và sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong một vài năm tới.

 

Tuy nhiên, chắc chắn sau vài ba năm nữa, chúng tôi sẽ giảm dần vốn tài trợ, đặc biệt là vốn không hoàn lại và tập trung vào phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.

 

Biến đổi khí hậu, năng lượng và tăng trưởng xanh là lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa hai nước. Xin Đại sứ cung cấp số liệu hợp tác cụ thể ở những lĩnh vực này?

 

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho Chương trình Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đan Mạch đã giới thiệu Sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, qua đó, kiểm tra hiệu quả sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp để tìm cách giảm lượng năng lượng tiêu thụ hay sử dụng năng lượng sạch thay thế. Đan Mạch cũng giới thiệu mô hình máy bơm nước năng lượng mặt trời ở Quảng Nam và Bến Tre.

 

Vestas, nhà sản xuất tua-bin gió đến từ Đan Mạch cũng đang hoạt động tích cực ở phía Nam…Chúng tôi cũng đang triển khai dự án Atlas về phát triển điện gió tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, do yêu cầu vốn đầu tư lớn và chính sách quản lý giá bán điện của Chính phủ đang hạn chế các nhà đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam.

 

Đại sứ có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để có thể tăng thu hút đầu tư ở lĩnh vực điện gió?

 

Chính phủ giữ giá bán điện thấp, nên nếu bỏ tiền đầu tư, các nhà đầu tư sẽ khó có lãi. Nhưng nếu “thả nổi” giá bán điện cho thị trường tự điều tiết, thì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu hộ gia đình. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và an sinh xã hội.

 

Tuy nhiên, khi kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập người dân tốt lên, chắc chắn, Chính phủ sẽ phải có lộ trình điều chỉnh giá điện để cân bằng giữa an sinh xã hội, nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư vào điện gió.

 

Trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô, theo Đại sứ, đâu là những tồn tại mà Việt Nam cần tiếp tục cải cách để thu hút đầu tư từ Đan Mạch, cũng như các quốc gia khác?

 

Với riêng Đan Mạch, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có sức hút lớn. Hiện có tới 140 doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và sẽ còn tăng lên. Tính trên một đất nước chỉ có 6 triệu dân như Đan Mạch, đây là con số lớn, đủ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Việt Nam cần cải tổ để tăng sức cạnh tranh và hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là lãi suất ngân hàng, giá đất hiện quá cao, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

 

Bên cạnh đó là việc giảm thiểu tình trạng tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư. Hai năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng, tạo ra được sự thay đổi đáng kể trong phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, nhưng vẫn cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.

 

Ngoài ra, trình độ lao động thấp cũng đang là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cần sớm được cải thiện, dù không phải là việc có thể làm trong một sớm, một chiều.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status