Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định ưu đãi đầu tư đối với dự án quy mô lớn và có tác động lớn tới kinh tế – xã hội.
Lý do được Ban soạn thảo Luật đưa ra, đó là vì thực tế thời gian qua, một số dự án đầu tư đáp ứng được tiêu chí về quy mô lớn và có tác động lớn tới kinh tế – xã hội của địa phương, của vùng, như trường hợp của Samsung, Nokia, LG, Canon…, nhưng theo Luật hiện hành, lại chưa được hưởng ưu đãi thuế hoặc mức ưu đãi chưa cao. Trong khi đó, vấn đề ưu đãi thuế đối với các dự án loại này thường là một trong những tiêu chí để nhà đầu tư quyết định việc lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
“Để xử lý được các trường hợp đặc thù phát sinh trong thực tiễn, thu hút các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, Dự thảo đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định ưu đãi thuế đối với trường hợp doanh nghiệp thành lập mới dự án đầu tư có quy mô lớn và phạm vi tác động lớn đến kinh tế – xã hội”, Ban soạn thảo Luật phân tích.
Thực tế, thời gian qua, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, Samsung, Nokia… đều đã được Chính phủ cho phép hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất, như một doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng là sau khi cân nhắc rất nhiều yếu tố liên quan đến quy mô lớn của dự án, những tác động đến kinh tế – xã hội…, hơn là căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành. Bởi lẽ, chiểu theo quy định của Luật Công nghệ cao, thì điện thoại di động không thuộc diện được coi là sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư.
Quan điểm chung của Chính phủ là ủng hộ nhà đầu tư nghiêm túc, làm ăn có hiệu quả, muốn đầu tư lớn và lâu dài ở Việt Nam. Dù vậy, mọi quyết định của Chính phủ cũng không thể vượt quá quy định của Luật. Vì thế, Robert Bosch, Kumho Asiana vẫn đang phải chờ đợi.
Đề xuất tăng thẩm quyền quyết định ưu đãi đầu tư của Chính phủ, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay trong vấn đề này.
“Việc trao quyền cho Chính phủ đàm phán, thương thảo với nhà đầu tư đối với những dự án quy mô lớn, có ảnh hưởng đến tầm quốc gia, ở một số quốc gia khác, như Thái Lan, Indonesia… họ vẫn làm. Việt Nam thì chưa. Nhưng thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi chúng ta phải làm điều đó”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Theo Bộ trưởng, nhà đầu tư thực hiện dự án trị giá hàng tỷ USD, với công nghệ hiện đại, đầu tư nhanh, thì có quyền đưa ra những đề xuất của mình.
“Những dự án này thường có tác động lớn tới kinh tế – xã hội Việt Nam. Đứng trước một lợi ích to lớn như vậy mà chúng ta không trao cho người đứng đầu Chính phủ quyền thương thảo những cơ chế, chính sách vượt khung, thì chúng ta sẽ mất cơ hội, và thực tế là đã từng mất cơ hội”, Bộ trưởng nói và bày tỏ quan điểm rằng, việc Dự thảo Luật Thuế TNDN bổ sung quy định này là rất quan trọng.
Đồng tình với đề xuất này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đó phải là dự án lớn, có tác động mạnh mẽ đến kinh tế – xã hội của địa phương, của vùng, miền.