Tin tức

Đặc biệt tin tưởng vào tương lai của Việt Nam

Tin tưởng vào bước phát triển mới của Việt Nam trong năm mới Tân Mão 2011, trong cuộc tiếp xúc đầu Xuân với phóng viên Báo Đầu tư, các vị đại sứ của các quốc gia châu Âu đã sẵn sàng cho những kế hoạch kết nối song phương lên nấc thang mới.

“Việt Nam tiếp tục là một nền kinh tế phát triển nhanh và thành công trong năm 2011

 

Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành công. Việc mở cửa nền kinh tế Việt Nam, với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 là một đỉnh cao, giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với việc phát triển đáng kể về mặt xã hội. Minh chứng cho sự tiến bộ nhanh như vậy chính là việc Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình.

 

Việt Nam đã hồi phục khá nhanh từ trước những ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã thể hiện khả năng của mình trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế cao và thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất và có triển vọng tăng trưởng cao nhất châu Á trong tương lai gần.

 

Tuy nhiên, cho dù Việt Nam năng động, nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt là sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, nhu cầu về đào tạo và một số bất ổn về kinh tế vĩ mô. Những vấn đề này cần được giải quyết. Một số khó khăn cần phải vượt qua trong ngắn hạn.

 

Trên thực tế, các nguồn tài nguyên của Việt Nam là khá dồi dào. Các công ty của Pháp nhận thức rõ điều đó. Nhiều công ty đã thành lập doanh nghiệp riêng, hoặc hợp tác với các đối tác của Việt Nam. Hiện nay, khoảng 300 công ty Pháp đã vào Việt Nam làm ăn. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết công nghệ và năng lực cho Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức về phát triển bền vững và đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

 

Tôi chắc chắn rằng, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cam kết hỗ trợ phát triển chính thức mới nhất cho năm 2011 đã chứng tỏ rằng, các nhà tài trợ vẫn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam, mặc dù, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, phương thức hỗ trợ đã thay đổi.

 

Sau một năm làm việc ở đây, tôi đặc biệt tin tưởng vào tương lai của Việt Nam. Nhờ vị trí chiến lược của mình, đặc biệt là một thành viên ASEAN, nhờ dân số trẻ, năng động và hoài bão cùng với tầm nhìn thực tế của mình, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục là một nền kinh tế phát triển nhanh và thành công trong năm 2011.

 

“Đức tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Âu

 

Trong năm qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cho dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới chỉ tạm lắng. Giờ đây, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng cửa của một nước thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình – một thực tế đã được ngợi ca bởi cộng đồng quốc tế. Đây là thành tựu quan trọng mà nhân dân Việt Nam thực sự cảm thấy tự hào.

 

Chính phủ và các công ty của Đức đã góp phần vào thành công này và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển. Vào tháng 11/2010, chính phủ Đức đã tăng cam kết song phương cho hợp tác phát triển lên 300 triệu euro (khoảng 400 triệu USD). Sự hỗ trợ này nhằm giúp Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội và sinh thái.

 

Đức tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Âu và việc kết thúc thành công “Năm Đức tại Việt Nam 2010” – kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước –  đã nâng tầm quan hệ Đức – Việt, bao gồm các quan hệ phát triển và kinh tế song phương.

 

Thế nhưng, Việt Nam, với vị trí là nước thu nhập trung bình, cũng vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào các nguyên vật liệu và sản phẩm thô. Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi “cái bẫy thu nhập trung bình” và đảm bảo cho nhân dân một cuộc sống thịnh vượng hơn trong tương lai bằng việc phát triển một ngành công nghiệp và dịch vụ hướng và dựa vào công nghệ cao.

 

Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam có thể đi theo con đường này và từ đó hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tập hợp các nước thành viên ASEAN vì một mục tiêu chung là hội nhập kinh tế, văn hóa và chính trị trong khu vực Đông Nam Á. Đức và các đối tác của mình trong Liên minh châu Âu thực lòng hỗ trợ sự phát triển này.

 

“Doanh nghiệp Anh có thể hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam

 

Ai mà không cảm thấy ấn tượng bởi thành tựu nổi bật về kinh tế của Việt Nam cơ chứ? Tự do hóa mậu dịch đã mang lại cho Việt Nam mức tăng trưởng kinh tế cao và đưa hàng triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói. Đây là một kỷ lục rất đáng tự hào.

 

Dường như, đối với tôi, Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường. Tỷ lệ dân trí cao cộng với lao động chi phí rẻ sẽ không tạo cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh, mà Việt Nam cần để vươn mình trở thành một con rồng về kinh tế. Nếu Việt Nam muốn tiếp tục thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn nữa trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu, thì các bạn cần phải tiến thêm một bước trong việc mở cửa nền kinh tế và cải thiện năng lực quản lý kinh tế.

 

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm thấy nhiều cơ hội và lạc quan về tương lai dài hạn của họ ở đây. Nhưng họ nói với tôi rằng, việc đầu tư của họ có thể dễ dàng hơn, nếu các quy định rõ ràng hơn, và quá trình ra quyết định đơn giản hơn, nhanh hơn. Đồng thời, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả và sự minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp nhà nước, và tạo ta một sân chơi bình đẳng hơn nữa với khu vực kinh tế tư nhân.

 

Tôi tin rằng, các doanh nghiệp Anh có thể hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để đưa nền kinh tế lên một nấc thang mới. Có nhiều cơ hội trong các ngành bán lẻ, dịch vụ tài chính, năng lượng và giáo dục đại học. Anh có thể chuyển giao chuyên môn và kỹ thuật theo mô hình hợp tác đối tác công – tư nhằm giúp cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

 

Một số người đã lựa chọn tăng trưởng và ổn định. Tôi không đồng tình: nếu như sự không hiệu quả của nền kinh tế không được giải quyết, thì rủi ro về bất ổn kinh tế sẽ gia tăng và điều này làm trầm trọng nền kinh tế. Mặt khác, những lựa chọn táo bạo, dứt khoát về kinh tế vĩ mô có thể đem lại ổn định và tăng trưởng mạnh về trung hạn. Tôi đã chứng kiến những quyết tâm mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ chọn con đường đó.

 

Tôi chúc độc giả Báo Đầu tư đón Tết vui vẻ và chúc một năm mới thành công!

 

“Nhu cầu của Việt Nam phù hợp với năng lực cung ứng của Thụy Điển

 

Thành tựu về kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua thực sự gây ấn tượng. Điều này đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân Thụy Điển đối với Việt Nam.

 

Hướng tới năm 2011 và xa hơn nữa, có thể thấy nhiều triển vọng cần thực hiện và nhiều thách thức cần giải quyết. Những chủ đề này đã được đề cập tại Hội nghị Nhóm tư vấn Các nhà tư vấn tài trợ diễn ra cuối năm 2010. Một trong những thách thức chính là đảm bảo cân bằng vĩ mô bao gồm các chính sách tiền tệ và tài khóa, ít nhất là nhằm giải quyết lạm phát tăng cao. Một thách thức khác chính là việc làm thế nào để cải thiện hiệu quả và tính minh bạch trong các doanh nghiệp nhà nước, ít ra là tránh được các rủi ro như vụ Vinashin đem lại. Việc cổ phần hóa là biện pháp rõ ràng để có thể làm được điều này. Cuộc chiến chống tham nhũng ở tất cả các cấp cần phải được đẩy nhanh.

 

Thụy Điển tiếp tục xây dựng và thắt chặt mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai nước chúng ta, thậm chí ngay cả thời điểm này, khi mà chúng tôi, vì những lý do liên quan đến ngân sách, cần phải tái cơ cấu sự hiện diện của chúng tôi và đóng cửa đại sứ quán vào cuối năm nay.  

 

Nhu cầu của Việt Nam phù hợp với năng lực cung ứng của Thụy Điển trong nhiều lĩnh vực, như “giải pháp xanh” trong ngành năng lượng, quản lý chất thải, xử lý nước và giải pháp giao thông. Ngành công nghệ thông tin, bao gồm viễn thông di động và Internet, cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Ngoài ra, hai bên còn có thể tìm thấy các cơ hội đầu tư thú vị như ngân hàng điện tử, y tế điện tử và nghiên cứu điện tử.

 

Các doanh nghiệp Thụy Điển mong chờ ở Việt Nam những điều kiện làm việc công bằng hơn, một môi trường và một thái độ kiên quyết với tham nhũng, để Việt Nam có thể trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn. Các doanh nghiệp Thụy Điển có chuyên môn tốt và có trách nhiệm xã hội cao. Điều này sẽ có ích cho bản thân các doanh nghiệp và cho Việt Nam.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status