Văn bản vừa được phát đi từ Văn phòng Chính phủ liên quan đến Dự án Lọc dầu Vũng Rô
Đó là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô của Dự án Lọc dầu Vũng Rô từ 4 triệu tấn/năm hiện nay, lên 8 triệu tấn/năm, cũng như đồng ý nguyên tắc điều chỉnh địa điểm của Dự án (bao gồm cả cảng chuyên dụng).
“Việc điều chỉnh công suất Dự án Lọc dầu Vũng Rô là phù hợp với chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đầu tư dự án này không chỉ để cân đối nhu cầu trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Cùng với việc chấp thuận chủ trương nâng công suất của Dự án lên gấp đôi, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Phú Yên xem xét, cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Lọc dầu Vũng Rô, trong đó cần phải làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư (Technostar Management – Anh, Telloil – Nga), của Nhà nước và tỉnh Phú Yên trong Dự án; cũng như lưu ý Dự án phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn về môi trường…
Dự án này, theo sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, cũng sẽ được hưởng một số cơ chế ưu đãi đặc thù, như thuế suất xuất khẩu sản phẩm lọc dầu 0%; xem xét áp dụng tương tự như các dự án lọc hóa dầu khác về quyền phân phối sản phẩm lọc dầu, thuế nhà thầu nước ngoài…
Như vậy, sau một thời gian dài chờ đợi, các cơ chế, chính sách cho Dự án Lọc dầu Vũng Rô đã được Chính phủ thông qua. Đây sẽ là cú hích lớn để Dự án nhanh chóng được triển khai xây dựng.
Cuối tháng 8 năm ngoái, chủ đầu tư Dự án đã ký kết Hợp đồng mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật tổng thể với UOP LLC (thuộc Tập đoàn A HoneyWell – Mỹ) và cuối năm 2012, cũng đã hoàn tất hợp đồng EPC với một đối tác khác. Và theo thông tin mới nhất của Báo Đầu tư, sau khi được điều chỉnh nâng vốn đầu tư lên 3,1 tỷ USD, Lọc dầu Vũng Rô sẽ khởi công xây dựng vào khoảng giữa năm nay.
Trong một động thái khác, vào cuối tháng 1/2013 vừa qua, sau gần 5 năm chuẩn bị, chủ đầu tư Dự án Lọc dầu Nghi Sơn (bao gồm PVN, Công ty Dầu khí quốc gia Kuwait, Idemitsu Kosan – Nhật Bản, Hóa chất Mitsui – Nhật Bản), công suất 10 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 9 tỷ USD, cũng đã ký hợp đồng EPC với Liên danh nhà thầu do Công ty JGC (Nhật Bản) đứng đầu và các thành viên khác gồm: Chiyoda (Nhật Bản), GS E&C (Hàn Quốc), SK E&C (Hàn Quốc), Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia).
Theo dự kiến, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ xây dựng xong vào quý IV/2016 và vận hành thương mại vào năm 2017, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước.
Như vậy, cùng với Lọc dầu Dung Quất, đã đi vào hoạt động 3 năm trước đây, thì Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều dự án lọc dầu lớn. Không chỉ có Lọc dầu Vũng Rô, hay Lọc dầu Nghi Sơn, mà Dự án Lọc hóa dầu Bình Định, vốn đầu tư lên tới 28,7 tỷ USD, do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất, cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hôm 4/2, tại buổi họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh dự án này, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết, Bộ đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bởi hiện tại, Dự án chưa có những thông tin rõ ràng về nguyên liệu, vốn, tiêu thụ sản phẩm…