Giá gạo xuất sang châu Phi có xu hướng tăng và các nhà nhập khẩu châu Phi đang tìm mua gạo thơm vì giá bán vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan.
Xuất gạo sang châu Phi giảm do nhiều trung gian
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, Trưởng phòng châu Phi- Vụ châu Phi Tây Á Nam Á (Bộ Công Thương), với số dân hơn 1 tỉ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng tăng, bởi sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với hạt kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác.
Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa ở châu Phi cũng tăng mạnh trong những năm gần đây, nên người tiêu dùng thành thị ở châu Phi ưa chuộng gạo hơn so với những cây lương thực khác. Do lượng gạo dự trữ của châu Phi đã giảm nên các nước trong khu vực tăng cường nhập khẩu gạo, nhất là để phục vụ cho tháng Ramadan bắt đầu từ cuối tháng 7.
Đi cùng với tốc độ đô thị hóa, thu nhập của người dân châu phi đang dần cải thiện nên giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, vì vậy gạo trở thành loại lương thực phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất là Guinea Bissau (112kg/người/năm), Sierra Leon (88,6 kg/người/năm), Guinea (73 kg/người/năm) và Gabon (72 kg/người/năm).
Các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi là Nigeria, Senegal, Côte d’Ivoire, Ghana, Nam Phi, Tanzania, Algeria, Cameroon, Guinea… trong đó Nigeria đã chiếm 30% tổng lượng gạo nhập khẩu vào khu vực. Nhu cầu mua gạo thơm đang tăng mạnh ở hai thị trường Nam Phi và Nigeria, các nước châu Phi khác chủ yếu nhập khẩu loại gạo tấm có phẩm cấp và giá vừa phải.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Vụ châu Phi – Tây Á Nam Á, trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi đã ở mức trên 1 triệu tấn với kim ngạch 441,2 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm.