Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và tìm cơ hội đầu tư dự án mới. Dù còn ẩn chứa nhiều thách thức đối với nền kinh tế còn non trẻ khi vào sân chơi lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội lớn và Việt Nam cần một chiến lược căn cơ để tận dụng cơ hội này…
Thách thức từ làn sóng M&A
Hội nhập kinh tế quốc tế, làn sóng đầu tư vào Việt Nam tăng, cơ hội lớn mở ra cho các doanh nghiệp (DN), tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài cũng tăng. Làm thế nào để vừa đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài cùng ngành hàng và không bị mua lại là vấn đề mà các DN trong nước rất lo ngại. Năm 2011-2012 là năm của những thương vụ sáp nhập và thâu tóm (M&A). Đặc biệt, nhà đầu tư Nhật Bản đang có nhiều hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: Tài chính- ngân hàng, Công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, thực phẩm… với hàng chục thương vụ mua bán đã thực hiện thành công. Năm 2011, các nhà đầu tư Nhật Bản đã hoàn tất 22 thương vụ M&A với tổng giá trị khoảng 941 triệu USD; năm 2012 có rất nhiều thương vụ lớn, chẳng hạn Sumitomo Life sở hữu 18% cổ phần Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Exaki Glico (hãng sản xuất bánh kẹo và thực phẩm) sở hữu 10% vốn cổ phần của Kinh Đô, Mizuho sở hữu 15% Vietcombank…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi vào Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản thường hỏi các DN Việt Nam rằng “mong muốn điều gì từ phía nhà đầu tư” và “DN Việt Nam muốn bán cho nhà đầu tư bao nhiêu phần trăm”… Hiện làn sóng đầu tư từ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính- ngân hàng, hàng tiêu dùng và thực phẩm. Còn về cam kết vốn ODA phần lớn vào cơ sở hạ tầng (Nhật Bản là quốc gia chiếm 30% tổng vốn ODA tại Việt Nam). Lợi ích mà các nhà đầu tư Nhật mang lại có kỹ thuật công nghệ sản xuất tiên tiến, nguồn vốn hoạt động kinh doanh đảm bảo, phát triển thị trường trong và ngoài nước, tính minh bạch và cam kết hợp tác lâu dài. Mới đây, tại buổi tọa đàm với các DN trong Câu lạc bộ dẫn đầu (do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN- BSA tổ chức), bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ nhất là từ Nhật Bản; đồng thời các DN trong khối ASEAN cũng đang đổ bộ vào Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí vốn rẻ và đón cơ hội khối thị trường chung ASEAN+1 vào năm 2015. Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, đón làn sóng đầu tư mới, với nhiều dự án tỉ đô-la, nhưng cần chú ý đến nhà đầu tư đang thu gom những gì, đằng sau nhà đầu tư thu mua DN Việt Nam là ai?, nếu mất cảnh giác các DN Việt Nam rất dễ bị DN nước ngoài thâu tóm và mất thị trường.
Bà Phạm Chi Lan phân tích nếu nhìn vào bức tranh vĩ mô năm 2013 thì Việt Nam có thể đón 3 dòng đầu tư từ ASEAN; châu Âu, Hoa Kỳ; Hàn Quốc và Đài Loan để đón đầu cơ hội thành lập khối thị trường ASEAN+1, cơ hội từ FTA (Hiệp định thương mại tự do)… Tuy nhiên, muốn đón đầu làn sóng đầu tư mới thì Việt Nam cần xây dựng một chiến lược căn cơ, không chạy theo số lượng, thành tích mà chú trọng vào chất lượng và định vị lại thế mạnh từng vùng để mời gọi đầu tư có trọng điểm, phù hợp sự phát triển của vùng đó. Cần hạn chế cách làm như hiện nay là để các địa phương tự mời gọi và chấp nhận dự án tràn lan, bởi có một số dự án đầu tư buộc phải tuân thủ theo những quy hoạch chung hoặc phát triển của vùng.
Làm chủ sân chơi
Theo các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ chênh lệch giữa vốn đăng ký và giải ngân FDI trong vòng vài năm trở lại đây đã được rút ngắn khoảng cách. Năm 2012, vốn FDI cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 13 tỉ USD đã giải ngân đạt trên 10 tỉ USD. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, mức giải ngân 10 tỉ USD/năm là tín hiệu lạc quan, chứng tỏ DN muốn trụ lại và đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Tính theo lĩnh vực đầu tư thì vốn FDI đầu tư vào bất động sản giảm mạnh, chỉ chiếm khoảng 14,2%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế với tỷ lệ 69,9%. Nhà đầu tư thay đổi lĩnh vực đầu tư như năm 2012 là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nằm trong tầm ngắm của sự lựa chọn mới, Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức, nhưng quan trọng là cần làm chủ cuộc chơi trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Bà Hoàng Kim Thoa, Giám đốc Senkim Investment- người có nhiều kinh nghiệm trong các thương vụ mua bán, sáp nhập, cho biết: “Nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến nhiều vấn đề khi đầu tư vào DN Việt Nam. Như vốn đầu tư, sản phẩm, kênh phân phối, quản trị DN, pháp luật liên quan. Các vấn đề này được xem xét rất chi li để xác định giá trị của DN Việt, thị phần trên thị trường và tiềm năng phát triển. Nhà đầu tư Nhật Bản mang lại cho DN Việt Nam nhiều cơ hội về công nghệ, nguồn vốn kinh doanh, phát triển thị trường nước ngoài, tính chuyên nghiệp, minh bạch. Nhà đầu tư Nhật không có ý định thâu tóm sau lưng và tất cả mọi chuyện đều được công khai”. Do vậy, các DN Việt cần có báo cáo đánh giá, hoặc điều tra đầy đủ về bản thân DN và đối thủ cạnh tranh, xác định đối tác hợp tác lâu dài để tồn tại trong hội nhập kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC đến hiện tại thì vị trí của Việt Nam tương đối lạc quan trên thế giới và HSBC đưa ra nhận định đến năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế qui mô lớn (cỡ 14-15 trên thế giới). Với cách nhìn này, Việt Nam cần rất nhiều đầu tư để đạt tới ngưỡng đó. Song, chuyên gia Phạm Chi Lan cảnh báo, nếu không cảnh giác và làm chủ cuộc chơi, thương vụ M&A được DN nước ngoài đẩy mạnh thì đến năm 2015 trong tay mình sẽ không còn gì vì sở hữu đã thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, nhiều DN trong nước đang gặp khó khăn và đang tìm cách vượt khó. Xu hướng hợp tác, liên kết giữa các DN cùng ngành nghề cũng được tính đến nhiều năm qua để nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đây là xu hướng tất yếu trong hội nhập kinh tế, vấn đề còn lại là cần cấu trúc lại nền kinh tế, củng cố nội lực cho các DN.