“Hội nghị Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với Cơ chế phát triển sạch và giáo dục truyền thông bảo vệ môi trường là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường, tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ chế phát triển sạch”.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Thái Lai đã khẳng định như vậy tại hội thảo này do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức ngày 3/11 tại Hà Nội. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày về cơ chế tài chính, việc triển khai nghị định Kyoto về ngăn ngừa biến đổi khí hậu và cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam; quá trình phát triển các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và dịch vụ tư vấn của ngành năng lượng. Đồng thời cũng đưa ra những khung pháp lý, yêu cầu đối với dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam cũng như điều kiện trợ giá sản phẩm của dự án.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường, tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và tăng cường phối hợp giáo dục truyền thông bảo vệ môi trường giữa các tổ chức trong và ngoài nước. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có tiềm năng thực hiện cơ chế phát triển sạch và giá trị kinh tế thu được từ các dự án CDM. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn ít các dự án cơ chế phát triển sạch tại các doanh nghiệp.
“ Sau 7 đến 8 năm cả nước có 135 dự án CDM, 34 dự án đăng ký tại ban chấp hành quốc tế về cơ chế phát triển sạch, 2 dự án được cấp chứng chỉ giảm rác thải. Với con số như vậy có thể thấy rằng giá trị kinh tế thu được từ các dự án CDM vẫn còn khiêm tốn”, ông Lai khẳng định.
Cũng trong buổi hội thảo, Ông Michel Kral Đại sứ Cộng hòa Séc đánh giá lại kết quả hợp tác giữa Séc và Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và khẳng định Séc sẽ tiếp tục nỗ lực giúp đỡ Việt Nam giải quyết các vấn đề ô nhiễm dioxin, bảo vệ nguồn nước và xử lý chất thải.