(baodautu.vn) Việc hạn chế tiếp nhận các dự án gây ô nhiễm, có hàm lượng công nghệ thấp… đã thể hiện sự chuyển hướng tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài của các “đầu tàu” kinh tế thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương (địa phương luôn ở những vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI) cho biết, giá trị vốn không còn là yếu tố ưu tiên, mà điều quan trọng là vấn đề đảm bảo môi trường. Trên cơ sở đó, Bình Dương đã hạn chế tối đa việc cấp phép dự án sản xuất ngoài khu công nghiệp, đồng thời tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư của các doanh nghiệp thuộc da có vị trí xen lẫn trong các khu dân cư để hỗ trợ di dời vào các KCN. Mới đây, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ra quyết định không cấp phép mới cho các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Thuận An, để ưu tiên quỹ đất còn lại cho phát triển các ngành dịch vụ.
Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của Bình Dương là tăng tỷ trọng dịch vụ lên 51%. Dự định này đã được phía nhà đầu tư chia sẻ. Bà Low Sing Leng, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Việt Nam – Singapore (Tập đoàn SembCorp) cho biết, ngoài hệ thống KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) hiện hữu, SembCorp sẽ đẩy mạnh đầu tư các dự án khu đô thị để tạo nên một mô hình đầu tư khép kín tại Bình Dương. Ngoài ra, Bình Dương mong muốn thu hút thêm các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Chính vì mục tiêu này mà ngay từ đầu năm 2010, Bình Dương đã đề ra mục tiêu khá khiêm tốn trong thu hút đầu tư nước ngoài, với mức 1 tỷ USD. Đến thời điểm này, tỉnh đã thu hút được 561 triệu USD (bình quân vốn đầu tư trên một dự án chỉ đạt 5,3 triệu USD).
Tương tự, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng khẳng định, trong 2 năm trở lại đây, lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện – điện tử… luôn dẫn đầu về số lượng dự án. Theo đó, trong số 166 dự án cấp mới trong 6 tháng đầu năm, các ngành này đã chiếm tỷ trọng trên 50%. Riêng vấn đề các khu đất vàng, “niềm hy vọng” cho chỉ tiêu thu hút 8 tỷ USD trong năm 2010 của Thành phố, ông Rê cho biết, đây không phải ưu tiên của TP.HCM trong giai đoạn này.
Vấn đề quan trọng của TP.HCM liên quan đến dòng vốn FDI lại nghiêng về việc giải ngân. Dù tỷ lệ giải ngân vốn trong 6 tháng đầu năm tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2009 (đạt 5.787 tỷ đồng), nhưng còn thấp xa so với kế hoạch (kế hoạch giải ngân cả năm nay là trên 17.000 tỷ đồng).
Do đó, không chỉ hỗ trợ về mặt thủ tục để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Thành phố cũng “mạnh tay” với những dự án “đăng ký xong để đó”, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Thực tế cho thấy, ngành này luôn chiếm trên 60% tổng vốn đăng ký của TP.HCM trong những năm gần đây, nhưng mức giải ngân lại rất thấp. Điển hình, trong số 17 dự án bị rút giấy phép đầu tư năm 2008, có 11 dự án thuộc về lĩnh vực xây dựng và bất động sản, với tổng vốn khoảng 3,7 tỷ USD. Vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã rút giấy phép đầu tư của 40 dự án trong lĩnh vực bất động sản.
Chính vì thế, để đảm bảo hiệu quả trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Nguyễn Viết Sê, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia Văn phòng phía Nam cho rằng, đây là khoảng thời gian để chuyển đổi mục tiêu. Theo đó, các “đầu tàu” kinh tế lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… cần chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tác, hơn là chạy theo lượng vốn mà lĩnh vực bất động sản mang lại.
Ngoài ra, ông Sê cũng khuyến cáo, các khu vực có khả năng thu hút dòng vốn FDI cao cần “tránh xa” những dự án thép và xi măng, bởi đây là lĩnh vực “đốt” điện, tài nguyên và đang lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa. Hơn nữa, theo ông Sê, trong việc rà soát các dự án chậm triển khai, địa phương không nên cào bằng. “Đối với những dự án đăng ký vào KCN, nếu sau một năm không triển khai, cơ quan quản lý đầu tư nên thu hồi giấy phép, còn những dự án vướng giải tỏa thì có thể xem xét cho nhà đầu tư”, ông Sê nói.