(VOV) – Lý do là, các thông số đầu vào của giá bán điện chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định.
Ngày 15/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Cuối tháng 5 sẽ tính toán lại giá điện
Năm 2010, EVN đưa ra con số phải mua điện giá cao 8.000 tỷ đồng chưa được tính vào giá thành. Từ 1/3, tăng giá điện nhưng cũng chưa đưa vào một số khoản. Và Thứ trưởng Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, nếu tính đúng, tính đủ thì phải tăng giá điện ở mức 62% (thay vì 15,8%). Điều này có nghĩa là khó tránh khỏi việc tăng giá điện vào 1/6 tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Vượng
|
Thứ trưởng Trần Quốc Vượng
Làm rõ nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Vượng nói: “Thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ điều chỉnh giá điện vào 1/6 theo quyết định 24 hay không. Bộ Công thương có trách nhiệm xem xét, tính toán xem sự điều chỉnh đó có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống xã hội hay không”. Bởi theo qui định, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định.
“Ngày 1/3 Chính phủ đã phê duyệt giá diện mới cho năm 2011 và từ tháng 3 đến tháng 6, nếu 3 thông số trên thay đổi thì cuối tháng 5 ngành điện sẽ tính toán xem giá bình quân của 3 tháng qua có biến động nhiều hơn thế nào so với giá bình quân trước đó để điều chỉnh giá điện. Nếu giá bình quân lớn hơn 5% thì sẽ xem xét quyết định tăng giá điện” – ông Trần Quốc Vượng nói.
Theo Quyết định 24, Thủ tướng cho phép EVN tự điều chỉnh giá bán điện bình quân trong điều kiện thông số đầu vào cơ bản biến động lớn để làm sao giá điện phản ánh biến động thị trường một cách kịp thời. Quyết định này được xây dựng trên cơ sở các thủ tục điều chỉnh giá điện khi 3 thông số đầu vào cơ bản thay đổi.
Còn theo ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc EVN, thì EVN là một tập đoàn Nhà nước nên ngoài nhiệm vụ kinh tế còn phải đảm nhiệm nhiệm vụ chính trị, vì thế không thể tăng giá điện vào những thời điểm nhạy cảm. “Cá nhân tôi nghĩ, 1/6 không thể tăng giá điện” – ông Tri khẳng định.
Còn Thứ trưởng Trần Quốc Vượng thì khẳng định: “Thị trường điện cũng giống các thị trường khác phải có lúc giá lên và có lúc giá xuống. Đợt tăng giá điện đầu tháng 3 vừa rồi, Chính phủ đã rất thận trọng, đưa ra các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt đối với tầng lớp dân cư có thu nhập thấp”.
Về giá mua điện của các nhà máy điện độc lập, theo Thứ trưởng Trần Quốc Vượng, Bộ Công thương ban hành Thông tư 41 và đã chỉ đạo EVN nhanh chóng chuyển đổi hợp đồng mua bán điện theo hợp đồng mẫu. Theo đó, giá điện EVN mua vào của công ty phát điện gồm giá cố định và giá biến đổi (giá biến đổi phụ thuộc nhiên liệu đầu vào, tỷ giá…).
Đang xây dựng qui chế cho Quỹ bình ổn giá điện
Về hoạt động của Quỹ bình ổn giá điện, Thứ trưởng Trần Quốc Vượng cho rằng: Quyết định 24 giao Bộ Tài chính chủ trì và Bộ Công thương hướng dẫn cơ chế hình thành, thẩm định và sử dụng quỹ. Quỹ này hình thành từ kinh phí sản xuất kinh doanh điện. Chúng ta vẫn còn thời gian để xây dựng quy chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện. Cơ chế này được xây dựng cẩn trọng và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Còn theo bà Nguyễn Thanh Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Thủ tướng Chính phủ cho phép Quỹ bình ổn sẽ được lấy từ chi phí của giá bán điện, tức là khi có mức trích quỹ thì chắc chăn chi phí giá điện sẽ cao hơn. Trong khi ngành điện còn đang treo nhiều chi phí khác chưa được tính vào giá bán điện thì quỹ này trước mắt chưa thể đưa vào giá bán điện. Vì vậy, khi nào xử lý hết các khoản treo của EVN thì mới tính đến chi phí hình thành quỹ vào giá bán điện”.
Về tái cơ cấu ngành điện, ngày 5/4/2011, ông Trần Quốc Vượng cho hay: “Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về tái cơ cấu ngành điện. Theo đó, bước đầu để thực hiện thị trường điện cạnh tranh là nhóm các công ty phát điện đang năm trong EVN thành 3 tổng công ty phát điện nằm trong EVN là các TCT 100% vốn NN, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con”.
Bộ Công thương cũng đang cùng EVN xây dựng các điều kiện cần thiết để từ 1/7 có thể vận hành thí điểm phát điện cạnh tranh. Hiện nay, các đơn vị liên quan vẫn đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết: xây dựng các văn bản pháp luật, qui trình vận hành thị trường, cơ sở hạ tầng CNTT… “Chúng tôi cố gắng đảm bảo đến 1/7, thị trường phát điện cạnh tranh có thể đi vào hoạt động” – Thứ trưởng Trần Quốc Vượng nói./.