“Tôi mà làm Bộ trưởng Bộ Tài chính thì tôi đề xuất áp ngay mức thuế TNDN 20%, chứ không quy định thuế suất phổ thông là 23% và áp thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ quan điểm chưa hài lòng với Dự thảo Luật thuế TNDN vừa được Bộ Tài chính (BTC) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo giải thích của Thứ trưởng BTC, bà Vũ Thị Mai, việc chưa thể giảm ngay thuế suất phổ thông xuống 20% là do ảnh hưởng rất lớn đến cân đối ngân sách.
“Nếu cứ giảm thuế suất phổ thông 1% thì ngân sách giảm thu khoảng 6.000 tỷ đồng, áp thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách giảm 2.000 tỷ đồng nữa, mở rộng ưu đãi thuế TNDN, ngân sách giảm thu 2.081 tỷ đồng, cộng thêm với khoản giảm thu do giảm thuế thu nhập cá nhân thì năm 2014, ngân sách giảm thu khoảng 30.000 tỷ đồng”, bà Mai tính toán.
Mặc dù cũng rất lo ngại ngân sách bị giảm thu mạnh nếu giảm thuế TNDN, song Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, BTC cần phải tính toán cụ thể hơn chứ không tính hụt thu theo kiểm “đếm cua trong lỗ”. Bởi thuế suất giảm 1% sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư, qua đó ngân sách sẽ tăng thu.
“Nếu quá lo ngại ngân sách hụt thu thì tạm thời vẫn để thuế suất phổ thông 23% nhưng phải quy định giảm thuế suất phổ thông xuống 20% kể từ 1.1.2016”, ông Giàu đề xuất.
Ông Giàu cũng đề nghị xem lại mức thuế áp với doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).
“Ở các nước trong khu vực, thuế suất phổ thông và thuế suất áp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chênh nhau đến 5 điểm phần trăm, thậm chí ở Malaysia còn chênh nhau đến 8 điểm phần trăm. Vậy tại sao ở Việt Nam 2 mức thuế suất này chỉ cách nhau có 3 điểm phần trăm. Cần phải nghiên cứu và tính toán lại”, ông Giàu phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu áp ngay thuế suất 20% sẽ tạo ra đột phá trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế và sức thu hút đầu tư nước ngoài cũng đáng kể.
Theo quan điểm của ông Hiển và của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, ngân sách tăng thu phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển chứ không phải tăng thu do thuế suất cao. Vì vậy, cần phải có mức thuế suất hợp lý để thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp bỏ vốn ra kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Hiển gợi ý, nếu BTC vẫn còn “lăn tăn” về thu ngân sách thì tạm thời áp mức thuế suất phổ thông 23% và áp thuế suất 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cũng công bố luôn lộ trình giảm thuế suất phổ thông xuống 20% kể từ 1.1.2016. Ngoài ra cũng phải miễn thuế luôn cho doanh nghiệp đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn, mở rộng diện miễn thuế cho hoạt động đánh bắt hải sản.
Vẫn theo quan điểm của ông Hiển, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn và vùng nông thôn thì nên áp thuế suất 10%, miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo cho doanh nghiệp đầu tư ở vùng khó khăn. Áp thuế suất 15%, miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo cho doanh nghiệp đầu tư ở khu vực nông thôn không thuộc địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
“Tất nhiên, chính sách miễn, giảm thuế không áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”, ông Hiển nói thêm.
“Bộ Tài chính nghiên cứu các đề xuất kể trên có thực hiện được không. Tôi nghĩ khó gì mà không làm được. Nếu vẫn cứ áp 2 mức thuế suất thì ngân sách cũng không tăng thu nhiều vì khi quy mô vốn của doanh nghiệp đến 20 tỷ đồng, họ không đầu tư nữa mà lập doanh nghiệp mới để được hưởng thuế suất 20% thay vì 23%”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.
Dưới góc nhìn của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, đề xuất giảm thuế TNDN của BTC không chỉ “nhỏ giọt” mà còn “phú quý giật lùi”. Cụ thể, lần sửa thuế TNDN đầu tiên (năm 2003), thuế suất giảm từ 32% xuống 28% tức là giảm 5 điểm phần trăm. Lần sửa thứ 2 (năm 2008) giảm từ 28% xuống còn 25% tức là giảm 3 điểm phần trăm. Lần sửa thuế TNDN này, thuế suất giảm từ 25% xuống còn 23% tức là giảm 2 điểm phần trăm.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, khi đi mời gọi đầu tư nước ngoài, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao giờ cũng nói, thuế TNDN của Việt Nam đã giảm từ 32% xuống 28%, giờ là 25%. Thuế TNDN của Việt Nam rất hấp dẫn.
“Thực tế thì thuế TNDN của Việt Nam giờ không còn hấp dẫn nữa. Vì thế, để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài thì phải giảm thuế TNDN để khi đi mời gọi đầu tư, ngành kế hoạch – đầu tư có thể tuyên bố: “Thuế TNDN của chúng tôi hiện giờ là 23%, từ năm 2016 giảm xuống còn 20% và từ năm 2020 trở đi giảm tiếp xuống còn 18% hoặc 15%. Có như vậy mới thu hút đầu tư nước ngoài. Cần phải hiểu rộng ra, Luật thuế TNDN chính là Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật kêu gọi đầu tư nước ngoài”, ông Hùng nói.